Hơn 200 nhân sự để bầu đại biểu Quốc hội thuộc Trung ương đã được gửi về địa phương. Các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại các thành phố trực thuộc TƯ.
Danh sách các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc các cơ quan Trung ương được Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam "chốt" sau vòng hiệp thương lần 3 diễn ra ít ngày trước là 205 người. Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia đã có nghị quyết phân bổ người ứng cử Trung ương về địa phương ứng cử.
Các lãnh đạo chủ chốt đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước hiện nay, từ phải qua: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ảnh: Tiến Tuấn).
Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới tại thủ đô Hà Nội. Ông Trọng, như vậy, có khả năng lần thứ 5 trở thành đại biểu Quốc hội của Hà Nội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại TP.HCM. Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại TP Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ứng cử tại TP Hải Phòng.
So với nhiệm kỳ khóa XIV, nơi được giới thiệu ứng cử của các lãnh đạo chủ chốt có sự điều chỉnh đôi chút. Nơi ứng cử của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội được hoán đổi. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kỳ vừa qua là đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là đại biểu thuộc đoàn TP Cần Thơ.
Với việc hoán đổi này, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ sẽ trở thành một đại biểu Quốc hội đại diện cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 11 đại diện được giới thiệu của khối cơ quan Đảng, ngoài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới tại Cần Thơ. Các Ủy viên Bộ chính trị khác như Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú ứng cử tại Lào Cai, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng tại Quảng Ninh, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai tại Hòa Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại Khánh Hòa, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc tại Lâm Đồng.
Ngoài ra, các Ủy viên Ban Bí thư như Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng ứng cử tại Hà Tĩnh, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài ứng cử tại Đắk Lắk, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Tây Ninh.
Khối Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại TP.HCM như truyền thống các Chủ tịch nước gần đây. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ứng cử tại quê nhà An Giang. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải ứng cử tại Nam Định.
Khối Chính phủ, ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính còn các Bộ trưởng khác ứng cử tại các tỉnh miền Tây gồm: Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long ở Kiên Giang, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại Vĩnh Long, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ở Đồng Tháp. Mở rộng ra khu vực Nam Bộ thì có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ứng cử tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các Bộ trưởng khác như Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang ứng cử tại Thái Nguyên, Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại Hưng Yên, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hải Phòng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Kon Tum, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại Bình Định, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Quảng Trị, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại Yên Bái.
Khối Quốc hội, ngoài Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, 3 lãnh đạo khác là Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ứng cử tại Hậu Giang, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định tại Thái Bình, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải tại Quảng Nam.
Trong khối Quốc hội còn một số nhân sự mới đáng chú ý là Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ứng cử tại Quảng Ngãi; Trung tướng Trần Hồng Minh - Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng, Y Thanh Hà Niê Kđăm - Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương cùng ứng cử tại Gia Lai.
Khối các cơ quan Trung ương khác như MTTQ Việt Nam có Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ứng cử tại Nghệ An, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh ứng cử tại Cần Thơ. Khối cơ quan tư pháp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình ứng cử tại Bắc Giang, Viện trưởng VKSND Lê Minh Trí ứng cử tại TPHCM.
Khối quân đội, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam ứng cử tại Thanh Hóa. Khối công an, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ ứng cử tại Bắc Ninh…
Theo cơ cấu đại biểu được phân bổ, TPHCM có 30 đại biểu thì có 13 ứng viên Trung ương gửi về, Hà Nội có 29 đại biểu thì có 12 ứng viên ở Trung ương, Thanh Hóa có 14 đại biểu thì có 7 ứng viên Trung ương, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương có lần lượt 13, 12, 11 đại biểu thì mỗi tỉnh có 6 ứng viên Trung ương… Tỷ lệ đại biểu Trung ương giới thiệu ứng cử tại các tỉnh thành, như vậy, chiếm khoảng 40-50% tổng số đại biểu Quốc hội được phân bổ cho các địa phương.
Phương Thảo/dantri.com.vn