Sáng 5-5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (6-5-1951 - 6-5-2021) theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu của ngành trong cả nước và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Đến dự, có các đồng chí: Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng; Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; các tổ chức tài chính tiền tệ, ngân hàng thế giới,… tại Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị, các thế hệ ngành Ngân hàng.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Các đồng chí: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và một số tổ chức ngân hàng thế giới gửi hoa chúc mừng.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Đọc diễn văn kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên T.Ư Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu bật truyền thống vẻ vang 70 năm phát triển của ngành. Đồng chí cho rằng, đây là đợt sinh hoạt chính trị đầy ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ ngành Ngân hàng, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chặng đường tới.
Đồng chí nêu rõ, sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là một bước ngoặt lịch sử, là kết quả nối tiếp của quá trình đấu tranh xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, đánh dấu bước phát triển mới, thay đổi về chất trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ở nước ta. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, ngành Ngân hàng luôn tự hào về những thành tích, đóng góp của Ngành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và sự ra đời của hai Pháp lệnh Ngân hàng, ngành Ngân hàng đã từng bước đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động cũng như công tác quản lý và điều hành. Sự chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp sang hệ thống hai cấp là những dấu ấn quan trọng, để từ đó, Ngân hàng Nhà nước đã khởi xướng, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển của đất nước,…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Ngân hàng đã luôn luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không quản ngại gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc nền tiền tệ độc lập, tự chủ của quốc gia, thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp nguồn lực tài chính, tín dụng, dịch vụ ngân hàng phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững, góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ta như ngày nay.
Trong suốt quá trình 35 năm đổi mới, ngành Ngân hàng đã luôn chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, chuyển đổi từng bước vững chắc từ hệ thống ngân hàng một cấp sang hai cấp, ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; từng bước phát triển lớn mạnh, tách bạch rõ ràng chức năng quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chức năng cung ứng vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm ngày càng phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò huyết mạch của nền kinh tế...
Với những thành tích nêu trên, ngành Ngân hàng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 2006); ba Huân chương Hồ Chí Minh vào các năm 1996, 2011, 2016; và nhiều phần thưởng cao quý khác. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng, biểu dương những thành tích đã đạt được, những đóng góp to lớn và sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Ngân hàng trong suốt 70 năm qua.
Về nhiệm vụ thời gian tới, sau khi nêu rõ định hướng, mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2045; những thuận lợi, khó khăn đang đặt ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, ngày càng đi vào chiều sâu với yêu cầu cao hơn; nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn so với trước.
Tổng Bí thư đề nghị, thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy những thành quả lớn lao mà các thế hệ đi trước để lại, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực đổi mới mạnh mẽ tư duy để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức; khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập; phấn đấu nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và huy động, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tổng Bí thư nhấn mạnh một số vấn đề, mong ngành Ngân hàng quan tâm:
Một là, ngành Ngân hàng và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên trong Ngành cần nghiêm túc quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và về đổi mới, phát triển ngành ngân hàng nói riêng. Đặc biệt chú ý, tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Hai là, nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành Ngân hàng: Là kênh cung cấp vốn trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế; rất phức tạp, nhạy cảm; có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, tập trung ưu tiên xây dựng và triển khai thực hiện thật tốt chiến lược, kế hoạch, các chương trình hành động và các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, có tính khả thi cao, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Ba là, tiền tệ, ngân hàng là một lĩnh vực rất quan trọng và cũng rất nhạy cảm, có tính hệ thống và ảnh hướng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm công tác đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và công tác cán bộ để vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn hoạt động của toàn hệ thống; vừa nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của người cán bộ ngân hàng để ngăn ngừa rủi ro, vi phạm trong hoạt động ngân hàng.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải không ngừng nỗ lực củng cố, chấn chỉnh và phấn đấu vươn lên, bắt kịp với xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu trở thành các tổ chức tín dụng ngang tầm khu vực và từng bước vươn ra thế giới.
Năm là, ngành Ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng nhà nước, cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn vững vàng, luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, phát triển của Ngành, của đất nước. Sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân, dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các đề xuất đổi mới phải được cấp ủy, chính quyền bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng, cho làm thí điểm theo thẩm quyền; cái gì đổi mới đúng thì phải được bảo vệ, tiếp tục triển khai; cái gì chưa đúng thì phải kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa, rút kinh nghiệm. Tuyệt đối không chủ quan, tự mãn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tổng Bí thư tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp, vẻ vang và với nhiệt huyết, quyết tâm đổi mới, bản lĩnh chính trị vững vàng cùng sự năng động, sáng tạo, trong thời gian tới ngành Ngân hàng Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục viết nên những trang sử mới hào hùng, góp phần quan trọng đưa Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tổng Bí thư chúc ngành Ngân hàng Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu mới, có bước trưởng thành mới, mạnh mẽ hơn nữa, vững chắc hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng thịnh vượng, hùng cường, đi lên chủ nghĩa xã hội, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta và cũng là khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam ta.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Huân chương Lao động hạng nhất tặng Ngân hàng Việt Nam .
BẮC VĂN/nhandan.com.vn