Chiều ngày 5/5, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp xem xét, thống nhất phương án triển khai, quy trình xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dãy núi đá vôi và thung lũng Bắc Sơn là công viên địa chất toàn cầu.
Cùng dự họp có đại diện lãnh đạo các sở ngành, UBND huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng. Về phía đơn vị tư vấn có đại diện lãnh đạo Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Để triển khai nhiệm vụ này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) được UBND tỉnh giao làm đơn vị chủ trì triển khai, lập quy trình xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dãy núi đá vôi và thung lũng Bắc Sơn là công viên địa chất toàn cầu.
Theo đó, sở đã phối hợp với Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tổ chức khảo sát, đánh giá sơ bộ tiềm năng của tỉnh để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu tại các huyện, thành phố từ ngày 30/3 đến ngày 2/4/2021. Qua đó đã đánh giá tổng quan về tiềm năng di sản địa chất ở các huyện kể trên khá phong phú, đặc biệt là hệ thống các hang động.
Theo Trung tâm Karst và Di sản địa chất về dự kiến quy mô, phạm vi công viên địa chất Lạng Sơn sẽ có 3 phương án gồm:
Phương án 1: Các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan và Chi Lăng, diện tích trên 3.840 km2, dân số trên 375.600 người, tương đương chiếm khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh.
Phương án 2: ngoài 5 huyện được chọn trong phương án 1 sẽ có thêm thành phố Lạng Sơn và hai huyện Cao Lộc, Lộc Bình, tương ứng chiếm khoảng 67% diện tích và 82,3% dân số toàn tỉnh.
Phương án 3: gồm 6 huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Văn Quan, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn, tương ứng chiếm khoảng 53,9% diện tích và 75,6% dân số toàn tỉnh.
Các phương án mở rộng sẽ giúp hội tụ được các giá trị di sản và huy động được các nguồn lực của tỉnh Lạng Sơn. Theo Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, mốc thời gian kỳ vọng ngắn nhất để được công nhận là năm 2024. Dự kiến kế hoạch tổ chức thực hiện xây dựng và phát triển công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn từ năm 2021 đến 2023, với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã được đại diện đơn vị tư vấn trao đổi, giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề về thực hiện quyền và nghĩa vụ của tỉnh nếu được công nhận là công viên địa chất đối với hệ thống mạng lưới công viên địa chất của UNESCO; vấn đề kêu gọi xã hội hoá chi phí hoàn thiện hồ sơ; chi phí cho công tác vận hành công viên địa chất; việc khai thác khoáng sản, rừng trồng tại các địa phương nằm trong công viên địa chất…
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu kết luận tại cuộc họp
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định quyết tâm xây dựng hồ sơ, quy trình để công nhận công viên địa chất toàn cầu.
Về quy mô và phạm vi công viên địa chất thống nhất lựa chọn phương án 1 (Công viên địa chất Lạng Sơn bao gồm các huyện: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng).
Đồng chí yêu cầu Sở VHTTDL làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện liên quan triển khai các bước tiếp theo.
Đồng chí cũng bày tỏ mong muốn Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản tiếp tục giúp đỡ tỉnh thực hiện các công việc, nhiệm vụ xây dựng hồ sơ cũng như các vấn đề liên quan trong thời gian tới.
TUYẾT MAI – DƯƠNG KIM/baolangson.vn