Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phát huy tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách, các tỉnh thành có kinh nghiệm, có điều kiện như Hà Nội, Quảng Ninh chi viện, giúp đỡ các địa phương khác chống dịch…
Chủ trì cuộc làm việc với Bộ Y tế sáng 15/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến các giải pháp cấp bách, quyết liệt để phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế ngày 15/5/2021.
Thế nào là "chủ động tấn công" dịch?
Theo người đứng đầu Chính phủ, về cơ bản chúng ta đang kiểm soát được tình hình dù dịch bệnh tại một số địa phương đang diễn ra phức tạp. Các ca mắc mới ghi nhận đều nằm trong khu cách ly, trong vùng kiểm soát, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Một lần nữa, Thủ tướng nhắc nhở "tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác". "Quyết tâm phòng chống hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn đất nước ta, bảo vệ sức khỏe nhân nhân, lấy sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử sắp tới" - Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá, khắc phục những nhược điểm, hạn chế, bất cập trong phòng, chống dịch.
Trong đó, ông lưu ý cách tiếp cận mới trong phòng, chống dịch, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính. Người đứng đầu Chính phủ cũng làm rõ thêm quan điểm "chủ động tấn công" để các bộ, cơ quan, địa phương và toàn dân nắm vững, triển khai thực hiện.
Chủ động tấn công, theo Thủ tướng, nghĩa là phải xét nghiệm chủ động, tích cực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tập trung cho công tác rất quan trọng này, từ đó phát hiện sớm ca bệnh. Đồng thời phải ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết.
Cùng với đó là việc thực hiện chiến lược vắc xin, tăng cường tiếp cận các nguồn, mua vắc xin theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra, kể cả chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất; tổ chức tiêm hiệu quả, đúng ưu tiên.
"Phải tiếp cận vắc xin nhanh nhất, sớm nhất có thể, cần tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa cả về số lượng, chất lượng, vấn đề thanh toán, tiến độ", Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế.
Thủ tướng yêu cầu ngành y tế tăng thêm vật tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất để chủ động cho công tác phòng chống dịch, nhất là tại các địa phương trọng điểm, có nguy cơ cao.
Nhắc lại yêu cầu khen thưởng những người làm tốt, tích cực, xả thân, hy sinh vì cộng đồng, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, Thủ tướng đồng thời chỉ đạo cương quyết xử lý kịp thời người vi phạm, kể cả đình chỉ, cách chức người có chức vụ và xử lý hình sự nếu thấy dấu hiệu vi phạm đã rõ.
Thủ tướng cũng gợi ý tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, "lá lành đùm lá rách". Các địa phương đã làm tốt, có kinh nghiệm, đã kiểm soát được dịch bệnh, có điều kiện như Hà Nội, Quảng Ninh… chi viện, giúp đỡ các địa phương khác về nhân lực, vật lực, tiêu thụ hàng hóa... Người có điều kiện giúp đỡ người ít điều kiện hơn, người ở ngoài hỗ trợ người cách ly, người không mắc bệnh hỗ trợ người mắc bệnh.
Chuẩn bị sẵn thuốc xử lý sốc tại các điểm tiêm vắc xin
Thủ tướng: "Quyết tâm phòng chống hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn đất nước ta, bảo vệ sức khỏe nhân dân".
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, năng lực xét nghiệm Covid-19 của các địa phương chưa đồng đều. Dù tất cả các tỉnh, thành phố đều đã xét nghiệm được Realtime RT-PCR, còn 12 tỉnh vẫn chưa đủ năng lực xét nghiệm khẳng định chắc chắn ca bệnh.
Nhận định đây là phương pháp quan trọng nhất để xét nghiệm khẳng định, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết cả nước có 175 phòng xét nghiệm với công suất gần 66.000 mẫu/ngày. Trong trường hợp cần thiết, có thể tăng cường công suất tối đa lên 290.000 mẫu đơn/ngày, nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu thì có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày.
Song thực tế một số địa phương đang có tâm lý "ngại" mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng ban hành các hướng dẫn, cơ chế mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch Covid-19 để các địa phương sớm triển khai.
Đề cập đến vấn đề tiêm vắc xin, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê khẳng định đây là việc hết sức quan trọng.
Theo ông, vừa qua, ngành y tế đã xử lý kịp thời hơn 10 trường hợp gặp phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19. "Nếu không xử lý kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường", ông Khuê nói.
Ông nêu một giải pháp cụ thể được ngành triển khai là chuẩn bị sẵn Adrenaline tại các điểm tiêm chủng để khi sự cố xảy ra chỉ việc tiêm ngay thay vì mất công chuẩn bị thuốc chống sốc.
Thái Anh/dantri.com.vn