Thẳng thắn thừa nhận hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong kêu gọi, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh Ðiện Biên đã đánh giá nguyên nhân là do người đứng đầu không sát sao, quyết liệt. Do vậy, thời gian qua tỉnh đã tập trung chỉ đạo nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm, là cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; coi đó là yếu tố then chốt quyết định kết quả thực hiện đột phá trong phát triển
Huyện ủy Mường Nhé tổ chức gặp mặt, kêu gọi các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đầu tư vào địa bàn.
Thẳng thắn thừa nhận hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong kêu gọi, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh Ðiện Biên đã đánh giá nguyên nhân là do người đứng đầu không sát sao, quyết liệt. Do vậy, thời gian qua tỉnh đã tập trung chỉ đạo nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm, là cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; coi đó là yếu tố then chốt quyết định kết quả thực hiện đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ðiện Biên Mùa A Sơn nhớ lại tình hình kinh tế năm 2013 của Ðiện Biên: Dù được Ðảng, Chính phủ quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án và rất cố gắng nhưng tốc độ tăng trưởng của tỉnh lại có xu hướng chậm lại và không đạt kế hoạch đề ra. Diện tích trồng rừng đạt thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Những hạn chế, yếu kém, trì trệ trong lĩnh vực thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của Ðiện Biên khi ấy khiến các nhà đầu tư không mặn mà. Bốn năm liên tiếp (từ 2009 đến 2013) chỉ số PCI của Ðiện Biên đều giảm và giảm mạnh từ vị trí 29 (năm 2011) xuống thứ 43. Trước thực tế này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân; xây dựng kế hoạch khắc phục với lộ trình cụ thể, rõ ràng để nhà đầu tư không "quay lưng" với Ðiện Biên.
Cụ thể trách nhiệm làm gương, nêu gương của cán bộ, đảng viên mà trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành (sau đây gọi tắt là người đứng đầu), năm 2019, Tỉnh ủy Ðiện Biên đã ban hành Quy định 4871-QÐ/TU nêu cụ thể 16 nội dung người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện. Cùng với đó, Tỉnh ủy cũng quy định 12 hành vi, biểu hiện cơ hội, cục bộ mà người đứng đầu phải kiên quyết chống, trong đó các hành vi gây nhũng nhiễu doanh nghiệp, nhà đầu tư được nêu cụ thể. Ðó là, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc ảnh hưởng của cá nhân để gợi ý, can thiệp không đúng thẩm quyền, trái quy định đối với việc đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế - xã hội; đấu giá tài nguyên, tài sản nhà nước; lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi… Bảo đảm quy định được thực hiện nghiêm, Tỉnh ủy Ðiện Biên yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần gắn quy định với việc thực hiện kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. Với cán bộ, đảng viên cần có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện; lấy việc làm gương và nêu gương là một trong những căn cứ đánh giá cán bộ cuối năm.
Với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh, là người đứng đầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh khi ấy, ông Mùa A Sơn đã trực tiếp chủ trì phiên họp kiểm điểm thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng đồng chí lãnh đạo Ban Cán sự đảng; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng đồng chí thành viên UBND tỉnh trên tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm. Trước tập thể, ông Mùa A Sơn đã chủ động nhận trách nhiệm là đôi khi chưa quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết; phương pháp chỉ đạo điều hành chưa thật khoa học. Theo sự thẳng thắn của ông Mùa A Sơn, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành thành viên UBND tỉnh đã tự kiểm điểm và thừa nhận có tình trạng chậm đổi mới; còn biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm; vai trò của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thể hiện rõ nét.
UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết công việc cho các nhà đầu tư; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ðặc biệt là các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, như: Ðề án 79, Ðề án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững… có tầm quan trọng, cải thiện kinh tế, đời sống cho người dân địa phương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, ưu tiên phù hợp để hỗ trợ khởi nghiệp, thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo các sở: Kế hoạch và Ðầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… ban hành bộ thủ tục hành chính cụ thể từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng giảm tối đa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, UBND tỉnh Ðiện Biên thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt tồn tại, vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ, từ đó tạo sự tin tưởng với nhà đầu tư. Từ năm 2018 sau khi thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, UBND tỉnh đã ký kết quy chế giao ban định kỳ hằng tháng với hiệp hội để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp thành viên.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ðiện Biên đã có thêm 675 doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 6.000 tỷ đồng; so với giai đoạn 2011 - 2015 thì số doanh nghiệp thành lập mới tăng 4,16%. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Nguyễn Phi Sông, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh liên tục tăng, năm 2019 đã vươn lên xếp thứ 44 trong số 63 tỉnh, thành phố. Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) từ năm 2017 đến 2019 có nhiều cải thiện, thuộc tốp khá trong bảng xếp hạng này. Chỉ số cải cách hành chính ngày càng tăng và năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp Ðiện Biên được xếp trong nhóm các tỉnh có chỉ số cải cách hành chính cao hơn điểm trung bình cả nước.
Khi môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, các nhà đầu tư đã không còn "quay lưng" với Ðiện Biên. Giai đoạn 2016 - 2020 tổng mức đầu tư toàn xã hội của tỉnh đạt hơn 50.276 tỷ đồng; nhiều công trình, dự án hoàn thành được đưa vào khai thác sử dụng. Ðời sống nhân dân các dân tộc ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 38,25 triệu đồng/người. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ðiện Biên Bùi Ðức Giang cho biết: "Thay vì phải gõ cửa từng cơ quan, liên hệ từng huyện xin gặp từng đồng chí lãnh đạo để xin danh mục dự án thì bây giờ nhà đầu tư được chào mừng, đón tiếp trọng thị. Ðiều ấy không chỉ khiến nhà đầu tư cảm thấy được trân trọng mà còn khích lệ chúng tôi nỗ lực hơn cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, để đời sống người dân Ðiện Biên ngày càng được tốt hơn".
Ðồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ðiện Biên cho biết, để thực hiện thắng lợi mục tiêu "Quyết tâm xây dựng tỉnh Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững" trong giai đoạn 2020 - 2025, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực chung của toàn Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân. Mà trước nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gắn nhiệm vụ cụ thể với trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; chủ động nắm tình hình cơ sở, sát dân, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhà đầu tư từ đó có giải pháp giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc từ cơ sở.
Lê Lan/nhandan.com.vn
https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/nang-cao-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-o-ien-bien-647648/