Thủ tướng khẳng định thanh tra chính là phòng ngừa, không để tích tụ sai phạm nhỏ thành sai phạm lớn. Đồng thời cần tăng cường công tác quản lý thanh tra, xử lý sau thanh tra...
Chiều 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Nhật Bắc).
"Thể chế về đôn đốc xử lý sau thanh tra có điểm đã lạc hậu"
Ông Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thông qua hoạt động thanh tra, ngành thanh tra đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2021 đã tiến hành 1.646 cuộc thanh hành chính và hơn 35.600 cuộc thanh kiểm tra chuyên ngành; qua đó phát hiện vi phạm về kinh tế hơn trên 96.000 tỷ đồng và 1.589 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 269 tập thể, chuyển cơ quan điều tra xử lý 10 vụ việc với 5 đối tượng.
Công tác tự phát hiện tham nhũng được chú trọng, nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 353 vụ, 520 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham những.
Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận việc triển khai kế hoạch thanh tra ở một số đơn vị còn chậm; còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; ban hành kết luận còn chậm. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lựa chọn một số nội dung, lĩnh vực để tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đồng thời thực hiện tốt việc bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Dẫn ra một số cuộc thanh tra phức tạp, khó khăn để lại nhiều ấn tượng, được dư luận quan tâm như vụ việc AVG, gang thép Thái Nguyên, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng, xây dựng thể chế là một trong những khâu quan trọng nhất. Tuy nhiên, hiện nay, thể chế về đôn đốc xử lý sau thanh tra có điểm đã lạc hậu, thiếu chế tài mạnh xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra.
Ông cho rằng để ban hành được một kết luận thanh tra đã khó, nhưng để đưa kết luận vào thực tiễn còn khó hơn nhiều lần. Đó là chưa kể còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Phải tôn trọng người dân, lắng nghe ý kiến nhân dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Thanh tra Chính phủ đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần kết luận nhiều vụ việc lớn, có tính chất đột phá, kéo dài nhiều năm, thu hồi nhiều tài sản. Kết quả đó đã đóng góp chung vào thành tích chung của cả nước, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Dù vậy, Thủ tướng chỉ rõ, thể chế liên quan đến ngành thanh tra còn bất cập, chồng chéo, có chỗ còn chưa hợp lý; tổ chức còn manh mún, chia cắt, phân tán…
Công tác thanh tra nhạy cảm, phức tạp, bị chi phối bởi việc này, việc kia, vẫn còn lợi ích nhóm. Một bộ phận cán bộ chưa thực sự trong sáng, nhiệt huyết, quyết tâm, quyết liệt trong công tác…
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Nhật Bắc).
Thủ tướng tán thành ý kiến cho rằng, "làm thanh tra mà không trong sạch, không công minh, thì không làm được". Do đó, cán bộ thanh tra phải trong sáng, phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết, phải vô tư, khách quan, quang minh chính đại. Trong lãnh đạo, phải đoàn kết, thống nhất; công tác cán bộ phải dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan.
Công tác tiếp công dân phải kiên trì, bản lĩnh, khách quan, đối thoại ngay từ cơ sở, công khai, minh bạch, giải quyết có tình, có lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Phải tôn trọng người dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, phải chân tình, có lý có tình.
"Việc của thanh tra là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, cho nên chúng ta phải giữ đúng nguyên tắc, thực hiện dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, lấy hiệu quả là chính và tạo sự thống nhất để làm"- Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu ngành thanh tra phải bản lĩnh, phải cương quyết, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm phải có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào phải dứt việc đó.
Thanh tra chính là phòng ngừa, không để tích tụ sai phạm nhỏ thành sai phạm lớn. Cần tăng cường công tác quản lý thanh tra, xử lý sau thanh tra, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định. Tập trung thanh tra diện rộng nhưng cũng phải có trọng tâm trọng điểm.
Thủ tướng lưu ý việc tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm từ xử lý các vụ việc lớn trong nhiệm kỳ qua để góp phần đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực như đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư công, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực…, "làm sao đầu tư công là để ra tiền chứ không phải để mất tiền".
Thế Kha/Dantri.com.vn