Chiều 14-6, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Dự kiến, tổng thời gian kỳ họp là 11,5 ngày. Trong đó, công tác nhân sự gồm 5 ngày; việc xem xét các báo cáo và một số nội dung khác có 4,5 ngày; công việc trù bị có 0,5 ngày; lễ khai mạc, bế mạc gồm 1 ngày; chương trình dự phòng có 0,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị vào chiều 19-7; khai mạc vào ngày 20-7 và dự kiến bế mạc vào sáng 3-8-2021.
Với đặc thù của nội dung kỳ họp, Quốc hội cần họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp, nhất là có phương án, kế hoạch cụ thể cho phòng, chống dịch theo tình hình thực tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH |
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, căn cứ quy định của Luật Đầu tư công (Điều 47) và Luật Quản lý nợ công (Điều 10), nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được bổ sung tại kỳ họp này cùng các kế hoạch tài chính 5 năm và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị chuyển nội dung về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025 sang kỳ họp cuối năm 2021. Về vấn đề này, Chính phủ có trách nhiệm giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do lùi thời điểm trình làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự kiến chương trình kỳ họp được xây dựng theo hướng: Không tiến hành công tác tổ chức, nhân sự liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian.
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với dự kiến chương trình, thời điểm khai mạc, bế mạc kỳ họp và hình thức họp tập trung.
Quang cảnh phiên họp chiều 14-6. Ảnh: VPQH |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, kỳ họp này cần có ngay những đổi mới trong công tác tổ chức. Theo đó, thời lượng để trình các báo cáo cần giảm bớt cho hợp lý, không nên quá dài, làm sao để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn nâng cao chất lượng kỳ họp. Đặc biệt, cần quyết tâm đổi mới công tác thư ký, nhất là thảo luận tại tổ phải chuyên nghiệp hơn. Đại biểu Quốc hội nói gì thì thư ký phải tổng hợp được ngay. Sau khi có ý kiến tại các đoàn, tổ, thư ký phải tổng hợp cái gì thống nhất cao, cái gì còn có ý kiến khác nhau cần thảo luận thêm để tránh việc vấn đề đó ở tổ được nói tới nhiều nhưng không được phản ánh hoặc nói lại ở hội trường.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là kỳ họp đầu tiên của khóa XV, rất đông đại biểu tham gia lần đầu và họp tập trung trong điều kiện dịch bệnh phức tạp nên công tác phòng, chống dịch cần thực hiện nghiêm ngặt.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong phiên họp lãnh đạo chủ chốt, Thường trực Ban Bí thư đã thống nhất và có văn bản đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trên cả nước có kế hoạch xét nghiệm và tiêm vaccine cho tất cả đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, thành viên Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các cán bộ phục vụ tại tòa nhà và phóng viên đưa tin cũng cần được xét nghiệm, tiêm phòng vaccine.
Cho ý kiến thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, cần xét nghiệm cho các đại biểu 2 lần: Lần thứ nhất trước 7 ngày và lần thứ 2 là trước khi đi họp. Ngoài ra, người được tiêm vaccine xong vẫn có khả năng lây nhiễm nên mỗi đại biểu cần nâng cao ý thức để phòng, chống dịch bệnh.
PHƯƠNG HẰNG/QDND.VN