Thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn ra ví dụ có những con đường 400-500 tỷ đồng thôi mà 13 đời Bộ trưởng rồi vẫn chưa xong.
"Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống"
Thảo luận tại tổ chiều 24/7, về nội dung phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều việc cần quan tâm, làm sao mỗi nhà, mỗi người, các tổ chức đẩy mạnh tiết kiệm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là đại biểu Quốc hội thuộc đoàn TPHCM.
"Chúng ta hồi trẻ chỉ cần có cái áo lành để mặc chứ đâu có hoa tươi. Bây giờ xã hội thay đổi mình cũng phải thay đổi xu hướng đúng mức, chứ không thể cứ áp dụng kiểu cũ quá không cần thiết, vì kích thích tiêu dùng vẫn quan trọng. Ví dụ như mít tinh, lễ hội nhiều quá không cần thiết. Tất nhiên lễ hội văn hóa Việt Nam rất đa dạng, là nguồn lực rất quý báu. Nhưng có đến mười mấy nghìn lễ hội thì nhiều quá, cần rà soát lại để làm sao tiết kiệm hợp lý hơn" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Dẫn chứng các công trình dở dang như thép Thái Nguyên, Nhiệt điện Thái Bình 2… với hàng chục nghìn tỷ được đầu tư nhưng thua lỗ kéo dài, hay những dự án quy hoạch treo lãng phí nguồn lực Nhà nước rất lớn, Chủ tịch nước mong rằng các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để các báo cáo cụ thể hơn trong các khía cạnh của đời sống nhằm tạo nguồn lực cho đất nước.
"Cha ông mình nói "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống". Nên phải có tích lũy. Muốn như vậy thì tích lũy chung từ người dân đến từng cấp, từng ngành rất quan trọng. Cần làm gì, ở chỗ nào thì các ý kiến đóng góp thẳng thắn, rút kinh nghiệm cho hệ thống chúng ta" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
"Manh mún thì không làm được cái gì lớn"
Thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, chiều 24/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đây là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm. Chúng ta quán triệt phải tiết kiệm nhưng chưa có kỷ luật về tiết kiệm cho chặt chẽ hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).
Nhắc lại Nghị quyết 45 của Chính phủ hồi tháng 5 vừa qua nêu rõ "tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên trong những tháng còn lại của năm 2021 để chi cho phòng chống Covid-19 và những việc đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra", Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính phải tính toán ngay từ khi cấp ngân sách. Bởi lẽ song song với thể chế, kỷ luật chi tiêu, kỷ luật xây dựng ngân sách phải được quan tâm.
Thủ tướng cho rằng, khi nhắc đến lãng phí có thể nhìn thấy những vấn đề như dự án kéo dài, chia cắt, manh mún. Vì thế phải kết hợp hài hòa giải pháp "từ dưới lên" và "từ trên xuống".
Nếu chỉ theo giải pháp "từ dưới lên" thì nhu cầu rất lớn, bởi mức đầu tư hơn 2,8 triệu tỷ chưa thấm vào đâu so với nhu cầu các bộ ngành, địa phương đưa lên vì nơi nào cũng muốn có công trình.
Kể lại câu chuyện hồi năm 2011 khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đã chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh rà soát 3.650 dự án với mức đầu tư chỉ có 3.000 tỷ đồng - tức là mỗi dự án được đầu tư chưa đến 1 tỷ, rất manh mún và chia cắt, nhưng quan trọng nhất là kéo dài, lãng phí nguồn lực.
"Vừa qua, các tỉnh lên trao đổi với tôi, có những con đường 400- 500 tỷ đồng thôi mà 13 đời Bộ trưởng rồi vẫn chưa xong. Lần này nếu bố trí như thế này cũng chưa xong" - Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng.
Từ đó, Thủ tướng cho rằng, việc các dự án kéo dài hàng chục năm cũng là nguyên nhân gây lãng phí, mất cân đối, khiến tỷ lệ đầu tư công của nhiệm kỳ trước bị "đảo chiều". Tính toán cho thấy đầu tư công của Trung ương là 56% và địa phương là 44%, nhưng khi quyết toán lại "đảo chiều" thành Trung ương gần 44% và địa phương là 56%.
Trong khi tỷ lệ đầu tư của nhiều nước ở mức "đầu tư 3-4 đồng để thu lại 1 đồng", thì ở nước ta là đầu tư 6,3 đồng mới thu được 1 đồng. Thủ tướng nhấn mạnh đây cũng là lãng phí, làm cho nguồn lực hao hụt, cần phải làm triệt để.
Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát 11.100 dự án của khóa trước; các đơn vị đề xuất tổng hợp còn hơn 7.000 dự án nhưng Thường trực Chính phủ quyết định phải cắt xuống còn dưới 5.000 dự án, đặc biệt cắt những dự án chưa được phê duyệt.
"Nếu cứ chia cắt, manh mún thì không làm được cái gì lớn. Cái gì cũng một tý, một tý thì kéo dài, không tạo ra được động lực" - Thủ tướng phân tích.
Thế Kha - Phương Thảo/dantri.com.vn