Chính phủ quyết liệt khơi thông các điểm nghẽn, nâng cao chất lượng công tác thể chế

Thứ 5, 29.07.2021 | 14:40:32
519 lượt xem

Kế thừa những thành quả từ các nhiệm kỳ trước, Chính phủ sau khi kiện toàn vào tháng 4/2021 đã bắt tay ngay vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, rào cản, quyết liệt khơi thông mạnh mẽ dòng chảy của pháp luật, phát triển đất nước.


Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Tiến sĩ luật học Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, cho rằng, hoàn thiện thể chế là nội dung được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và là nội dung quan trọng trong chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Những kết quả tích cực bước đầu đang cho thấy quyết tâm của Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc trên con đường phát triển đất nước.

Không chỉ là câu chuyện làm cho đủ

Nhắc lại Nghị quyết số 48 ngày 25/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, Nghị quyết 48 đã đặt ra những mục tiêu, yêu cầu, giải pháp để hoàn thiện pháp luật đồng bộ cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hàng trăm văn bản luật và hàng vạn văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều cấp độ khác nhau đã ra đời để dẫn dắt, định hướng cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hệ thống pháp luật này đi vào cuộc sống đã tạo xung lực rất mạnh, giúp cho các quan hệ của nền kinh tế thị trường nảy mầm và phát triển mạnh mẽ, tạo ra năng lượng lớn cho đất nước phát triển.

“Chúng ta giữ được nhịp tăng trưởng GDP trong nhiều năm. Ngay trong tình hình khó khăn hiện nay, 6 tháng đầu năm 2021, chúng ta cũng đạt được kết quả rất vui mừng. Chứng tỏ hệ thống pháp luật đã tạo ra một năng lượng rất lớn”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hệ thống pháp luật vừa là “bà đỡ” cho các quan hệ kinh tế-xã hội nhưng cũng là rào cản. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, đây là vấn đề bình thường bởi lẽ hệ thống pháp luật bao giờ cũng có 2 khía cạnh: Có những vấn đề đi trước thực tiễn xã hội, dự liệu trước được. Nhưng ở một khía cạnh khác, thực tiễn lại đi rất nhanh, nếu những quy định không thích ứng, không được sửa đổi nhanh, không được nâng cao chất lượng, thì sẽ trở thành rào cản.

“Trong Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng đã đặt ra vấn đề này. Theo tôi, đây là điểm mấu chốt. Phải nâng cao chất lượng của công tác thể chế. Trước đây, chúng ta làm cho đủ, lĩnh vực nào cũng phải có luật, vì thế hàng trăm văn bản luật ra đời, nhưng cho đến thời điểm này, có những văn bản còn chưa triển khai được. Muốn bảo đảm được sự thông suốt, hiệu quả thì không phải là làm cho đủ mà cần nâng cao chất lượng của công tác thể chế. Đây chính là vấn đề được đặt ra trong giai đoạn mới hiện nay”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Cho rằng khâu đột phá đầu tiên và quan trọng nhất là đột phá về thể chế, ông Lưu Bình Nhưỡng đánh giá, Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ kế thừa được những thành quả từ các nhiệm kỳ trước mà còn có chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác này.

Ngay ở kỳ họp thứ nhất của Chính phủ sau khi kiện toàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tất cả các bộ, ngành, địa phương phải lập tức rà soát và hoàn thiện thể chế; rà soát điểm nào tốt, điểm nào đang tắc nghẽn, vướng mắc và lý do của những bất cập này. Nếu bất cập do khâu thực hiện thì sẽ chấn chỉnh khâu thực hiện; nếu bất cập do văn bản hướng dẫn của bộ ngành, thì yêu cầu bộ ngành phải chấn chỉnh khâu hướng dẫn; nếu bất cập từ các quy định của Chính phủ thì Chính phủ sẽ điều chỉnh; nếu bất cập liên quan đến trách nhiệm Quốc hội thì Chính phủ sẽ xem xét trình Quốc hội.

“Đây là điểm sáng nhất khi bắt đầu vào công việc của Chính phủ trong 3 tháng qua”, ông Lưu Bình Nhưỡng đánh giá.

Không những thế, Thủ tướng đã trực tiếp làm việc với nhiều bộ ngành. Đơn cử như làm việc với Bộ Tư pháp - cơ quan tham mưu cho Chính phủ và quản lý về xây dựng pháp luật. Sau đó, làm việc với các bộ, ngành để kiểm tra, xem xét, đồng thời yêu cầu rà soát, đánh giá lại thể chế. Ở bất kỳ cuộc làm việc nào, Thủ tướng đều nhấn mạnh vấn đề là “phải và hoàn thiện ngay thể chế”.

Suốt mấy tháng qua, Thủ tướng cũng luôn đôn đốc chỉ đạo làm sao tạo thể chế tốt cho công tác phòng chống dịch hiệu quả, một mặt duy trì được sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, một mặt giảm bớt tác hại của đại dịch.

Đánh giá cao chỉ đạo của Thủ tướng là trong hoàn thiện thể chế, trước hết, cần chủ động phát hiện, tháo gỡ theo thẩm quyền những “rào cản”, “điểm nghẽn”, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đây là chỉ đạo vô cùng quan trọng vì nền kinh tế-xã hội mà có những chỗ bị “nghẽn”, bị “tắc” thì đương nhiên sẽ cản trở toàn bộ hoạt động.

“Nếu biết khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông được dòng chảy pháp luật thì có thể chở theo năng lượng pháp lý, năng lượng pháp chế để phục vụ nhu cầu, mục tiêu của toàn bộ hệ thống kinh tế, đời sống dân sinh cũng như các quan hệ xã hội”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Chính sách phải đi từ nhân dân, cuộc sống và thực tiễn

Bình luận về việc tại kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ trình Quốc hội nội dung thực hiện một số giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, chúng ta đang đứng trước hoàn cảnh hoàn toàn khác các lần bung phát dịch trước đó, lần thứ tư này, tốc độ lây lan dịch bệnh cực mạnh vì biến chủng mới hết sức nguy hiểm.

“Khi đưa vấn đề này ra Quốc hội, Chính phủ đã thể hiện trách nhiệm rất lớn với đất nước. Chính phủ đặt ra vấn đề mà thực tiễn đang yêu cầu, cử tri và nhân dân yêu cầu, mong muốn. Với  tình hình đặc biệt, tình huống đặc biệt, phải có chính sách đặc biệt, để có cơ sở pháp lý triển khai mạnh mẽ hơn”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong công tác hoàn thiện thể chế, cần nhận thức một cách rõ ràng là chính sách phải đi từ nhân dân, cuộc sống và thực tiễn, chứ không phải xây dựng chính sách “salon”, xây dựng chính sách trong “phòng lạnh”.

Bên cạnh đó, pháp luật phải luôn được coi là nguyên tắc tối thượng cần được thực hiện để áp dụng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn, nghiêm chỉnh, trừ những trường hợp tổ chức thực hiện thí điểm được phép.

Trong thời gian tới, ông Lưu Bình Nhưỡng đề xuất Chính phủ tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan xây dựng chính sách và trình luật. Trên cơ sở nền tảng lý luận, thực tiễn, sự vận hành của xã hội hiện nay, có tham khảo chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới để chuyển đổi các chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng thành hệ thống chính sách; đồng thời chỉ đạo và tăng cường khâu chất lượng xây dựng các dự án luật của các bộ được giao với tư cách là cơ quan soạn thảo; tăng cường vai trò của Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan thẩm định các dự án luật, nghị định.

“Nếu cửa ải thứ nhất là các cơ quan chủ quản ban hành luật thì Bộ Tư pháp không được dễ dãi ở bước thứ 2. Đây là cửa ải rất quan trọng trước khi Chính phủ xem xét để trình lên Quốc hội. Tôi cũng đề xuất Bộ Tư pháp có toàn quyền bảo vệ quan điểm của mình khi thẩm định trước Quốc hội, thậm chí, Thủ tướng có thể giao cho Bộ Tư pháp có quyền phản biện trước Quốc hội”, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng mong muốn Thủ tướng Phạm Minh Chính đang và sẽ tiếp tục chăm lo đến khâu thiết kế đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác pháp luật, nhất là công tác xây dựng pháp luật và tăng cường khâu nghiên cứu cơ bản, sử dụng đội ngũ chuyên gia bên ngoài, những người có nhiều kinh nghiệm; đồng thời phải xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật để tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao hơn nữa, tạo môi trường an toàn, lành mạnh.


Hoàng Giang/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Thoi-su/Chinh-phu-quyet-liet-khoi-thong-cac-diem-nghen-nang-cao-chat-luong-cong-tac-the-che/440395.vgp

  • Từ khóa