Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 1068 trong đêm 5/8/2021 yêu các Bộ ngành, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra một cơ sở sản xuất thiết bị y tế phòng dịch (ảnh: VGP).
Kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó"
Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, các địa phương đã tập trung thực hiện công tác phòng chống, dịch Covid-19. Một số tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và đã đạt một số kết quả ban đầu tích cực.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện có nơi, có lúc vẫn còn chưa nghiêm, chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh thành, các Bộ, ngành tăng cường và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả các biện pháp chống dịch.
Trước hết, về ngăn chặn lây nhiễm, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó" để thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo quy định.
Các địa phương này cần triển khai ngay, thần tốc việc xét nghiệm tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện và phân loại, đưa các trường hợp nhiễm Covid-19 (F0) vào các cơ sở thu dung, điều trị hoặc hướng dẫn điều trị phù hợp với tình trạng bệnh và điều kiện của địa phương; tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tiện lợi nhất.
Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin
Với chiến lược tiêm vắc xin, Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh thành tiêm ngay cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh nền.
Về điều trị, để giảm tối đa các trường hợp tử vong, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; hoàn thành, đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp nhiều tầng của Bộ Y tế.
Các địa phương phải tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị người nhiễm Covid-19 nhằm giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng trong đó đặc biệt lưu ý phân biệt những người bị nhiễm chưa có triệu chứng với những người có triệu chứng (bệnh nhân) để tổ chức quản lý, theo dõi và trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng; chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động nguồn lực y tế của các ngành và tư nhân.
Trong công điện, lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin. Thủ tướng yêu cầu tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm. Chỉ đạo được lưu ý là tiêm ngay cho lực lượng y tế, người làm nhiệm vụ tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền và thứ tự ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cơ quan chức năng được giao chuẩn bị đầy đủ hệ thống kho bảo quản vắc xin Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh thành quyết định đối tượng được ưu tiên tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.
Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhắc nhở, tăng cường huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng thời kêu gọi mọi người dân chia sẻ, thông cảm những khó khăn, phức tạp trong phòng, chống dịch, tích cực hưởng ứng, tham gia phòng, chống dịch vì sức khỏe của chính mình, vì cộng đồng và sự phát triển của đất nước; tiếp tục huy động mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội cho phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh thành quyết định giá đặt hàng, chỉ đạo việc thực hiện việc xét nghiệm, huy động, điều phối nhân lực y tế cho phù hợp.
Lưu ý khác dành cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội là phải đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa việc bảo đảm lưu thông, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiếu yếu.
Theo đó, địa phương được sử dụng các nguồn lực, kể cả ngân sách địa phương để cung cấp miễn phí lương thực, thực phẩm thiết yếu nhất cho người dân gặp khó khăn, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc.
Địa phương đồng thời phải đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe cho nhân dân ở mọi lúc, mọi nơi khi cần thiết và tuyệt đối bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự trên địa bàn.
Thái Anh/dantri.com.vn