Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tỉnh thành nào chưa đạt được mục tiêu chống dịch đặt ra trong Nghị quyết 86 thì phải kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Ngày 29-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã chủ trì hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 20 tỉnh, thành phố, 209 quận huyện, thị xã và 1.060 xã phường, thị trấn để quán triệt nghiêm việc thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp trọng tâm trong phòng, chống dịch.
Một số địa phương lúng túng và sợ trách nhiệm
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tại TP HCM, số bệnh nhân tử vong đang xu hướng giảm mặc dù số ca phát hiện vẫn khá lớn, cao hơn trung bình những ngày trước khi triển khai xét nghiệm diện rộng.Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết hiện cả nước đang triển khai phong trào 4 triệu túi an sinh. 23 địa phương giãn cách đã hỗ trợ trên 100.000 người bán vé số. Về triển khai nghị quyết 68 đã có hơn 15 triệu người được hỗ trợ với 8.400 tỉ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với hơn 2.100 tỉ đồng được chi.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương có những giải pháp hỗ trợ, chính sách riêng.
"Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương lúng túng và sợ trách nhiệm nên việc hỗ trợ cho người dân bằng ngân sách còn chậm"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ông Đào Ngọc Dung cho rằng một số địa phương do khó khăn về kinh phí, do đó khi tham mưu chính sách thì cứ để treo đấy thôi. Một số địa phương triển khai còn chậm lúng túng và sợ trách nhiệm. Vì các khoản chi này rất khó quyết toán, không có hồ sơ, giấy tờ nên có nơi còn sợ trách nhiệm.
Hiện còn 2 tỉnh chưa rút kinh phí ngân sách nhà nước để chi (Bến Tre, Vĩnh Long); 9 tỉnh chưa chi hỗ trợ người tạm hoãn hợp đồng lao động, người ngừng việc (Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên). 5 tỉnh chưa hỗ trợ người lao động ngừng việc (Tiền Giang Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên). 3 tỉnh chưa hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ).
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị
Đã hy sinh kinh tế thì phải thực hiện giãn cách thật nghiêm túc
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt được kết quả nhất định. Theo đó, có 6 tỉnh đang kiểm soát dịch tốt gồm Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; 13 tỉnh, thành phố đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch; đặc biệt 4 địa bàn là TP HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang mặc dù chưa đạt như mong muốn do nhiều yếu tố, song đã và đang nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.
Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, các tầng lớp nhân dân đã vào cuộc tích cực, thực sự vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch Covid-19.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu trên tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trước hết, trên hết, các ngành, địa phương, đặc biệt là các xã, phường, thị trấn cần xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể, có lộ trình để thực hiện có kết quả theo Nghị quyết 86 của Chính phủ (mục tiêu Nghị quyết 86: TP HCM phấn đấu kiểm soát được dịch trước ngày 15-9; các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch trước ngày 1-9; các tỉnh, thành khác phấn đấu kiểm soát được dịch trước ngày 25-8 - PV); ngăn chặn, đầy lùi dịch bệnh sớm, hiệu quả, không để kéo dài giãn cách xã hội.
"Tỉnh nào chưa đạt được mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 86 thì phải kiểm điểm, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của tập thể, cá nhân, để từ đó rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đưa ra các biện pháp, giải pháp, lộ trình phù hợp, triển khai nghiêm túc. Ngược lại, tập thể cá nhân nào làm tốt, thì phải khen thưởng kịp thời"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng đất nước đã hy sinh kinh tế - xã hội trong việc giãn cách, thực hiện nghiêm việc không ra khỏi nhà, ai ở đâu ở yên đấy thì đổi lại phải kiểm soát được tình hình. Do vậy, địa phương nào đã thực hiện giãn cách xã hội để chống lây lan thì phải thật nghiêm, thật chặt, và phải giám sát hiệu quả, chặt chẽ. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phải xét nghiệm thần tốc, tiêm vắc-xin một cách khoa học, an toàn, hiệu quả, chú ý ưu tiên cho một số đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất. Đồng thời khi giãn cách phải kịp thời thu dung và điều trị tích cực để giảm các ca bênh nặng, giảm tử vong; tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, cách ly nhanh, điều trị tích cực ngay tại cơ sở, không để quá tải tuyến trên; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
"Phương châm là lấy xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp làm "pháo đài", mỗi người dân là "chiến sĩ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng chống dịch. Các địa phương, xã, phường phải bảo đảm an sinh xã hội, không để thiếu ăn, thiếu mặc với những người khó khăn, người lang thang cơ nhỡ, người yếu thế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trong thời gian giãn cách"- Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ giao các địa phương.
Thế Dũng/nld.com.vn