Đồng chí Lương Văn Tri là người anh hùng của các dân tộc Xứ Lạng. Thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí mãi mãi khắc ghi trong lòng mỗi chúng ta; một trong những dấu ấn nổi bật, đậm nét là những hoạt động của người thanh niên yêu nước Lương Văn Tri để trở thành người chiến sỹ cộng sản, đó là cơ sở tiền đề đi tới con đường cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí Lương Văn Tri là một trong những người tiêu biểu của Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn – một thanh niên dân tộc Tày, sinh ngày 17/8/1910 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Bản Hẻo, tổng Mỹ Liệt, châu Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn (nay là thôn Bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Ngày ấy, từ Mỹ Liệt đến châu lỵ Văn Uyên cũng phải mất cả ngày đi bộ. Thời niên thiếu, Lương Văn Tri được gia đình cho học chữ Hán, chữ Quốc ngữ tại trường làng; bài học đầu tiên Tri được học là “Nhân tri sơ, tính bản thiện” được nghe thầy giảng về con người, bắt đầu từ con người, cho con người và vì con người, con người sinh ra vốn thiện, con người có hiểu biết lễ nghĩa, rồi mới đến văn chương giáo hóa… học để làm người có nhân, nghĩa, lễ, trí, dũng, tín… thầy giáo giảng nhiều điều đã hút hết vào tâm trí của Tri; Tuy chưa hiểu nhiều, song Tri thấy thầy đang dẫn mình vào một chân trời mới lạ của việc học chữ, làm người. Khác với bạn bè cùng trang lứa, Tri không ham chơi, sáng đi học, chiều chăn trâu, hái củi, Tri thường đem theo sách để học, tối về giúp đỡ gia đình việc nhà, rồi thắp đèn dầu ngồi học, học xong Tri thường xin phép cha sang thầy giáo để nghe thầy kể chuyện lịch sử, Tri nghe như nuốt từng lời và thật tự hào về đất nước Việt Nam về những người anh hùng giải phóng dân tộc.
Người dân trên địa bàn huyện Văn Quan thắp huơng tuởng nhớ đồng chí Luơng Văn Tri tại di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri, xã Trấn Ninh. Ảnh: TUYẾT MAI
Ba năm học trường làng thấy con ham học, cha anh đã cho theo học trường Sơ học yếu lược ở châu lỵ Điềm He, hằng tháng, cha anh lên thăm, động viên con ăn học; với bản tính chăm chỉ, thông minh, hiếu học, năm nào, Tri cũng là học sinh giỏi của lớp, được thầy giáo khen và bạn bè khâm phục, noi gương. Nhờ học giỏi, Tri được gọi nhập học trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn. Những năm tháng học ở Trường Tiểu học Pháp – Việt cũng là thời gian phong trào cách mạng Việt Nam có những chuyển biến tích cực. Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô đến Quảng Châu (Trung Quốc) tổ chức nhóm cách mạng Việt Nam đầu tiên, chuẩn bị các điều kiện về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Đến tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước Việt Nam có xu hướng cộng sản chủ nghĩa. Trụ sở của hội được đặt ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc).
Dưới tác động của trào lưu tư tưởng mới thông qua hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào cách mạng ở Lạng Sơn cũng có bước phát triển. Lúc này, Lương Văn Tri cùng Hoàng Văn Thụ học tại trường Tiểu học Pháp – Việt đã chứng kiến người dân bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột, chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước và dần hình thành tư duy phải làm gì để quê hương thoát khỏi chế độ hà khắc của bọn thực dân, phong kiến. Nung nấu ý chí đó, Lương Văn Tri tích cực tham gia hoạt động trong nhóm thanh niên yêu nước, đã nghiên cứu các tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, bí mật tiếp nhận sách báo và tài liệu của hội để tuyên truyền tư tưởng cách mạng. Anh là nhân tố nòng cốt trong mọi phong trào đấu tranh của học sinh, thanh niên ở thị xã Lạng Sơn đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (năm 1925) và để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (năm 1926) do Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên phát động. Qua hoạt động chính trị này, Lương Văn Tri cùng các bạn đã dần giác ngộ cách mạng, nhận thức được đấu tranh cách mạng là con đường duy nhất để thoát khỏi áp bức bóc lột, giải phóng dân tộc.
Kỳ nghỉ hè năm học 1926 – 1927, Lương Văn Tri đã thưa với cha, mình được xếp đi học một khóa làm Ký ga xe lửa ở Hà Nội; theo dự tính Lương Văn Tri cùng Hoàng Văn Thụ từ Lạng Sơn về Hà Nội để bắt liên lạc với các tổ chức yêu nước, cách mạng. Tại Hà Nội, hai anh đã gặp lại Hoàng Đình Giong (Cao Bằng) là học sinh trường Bách Nghệ Hà Nội và được giới thiệu về Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và từ đây, Lương Văn Tri đã sắp đặt cho mình một lộ trình mới, bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng cứu nước, giải phóng dân tộc, con đường đầy hy sinh gian khổ, nhưng hết sức vinh quang.
Tháng Giêng năm 1928, Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ bí mật từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) sang Trung Quốc để tìm gặp tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Hai anh được giới thiệu đến ở gia đình anh Mã Khánh Phương, được trao đổi về tình hình phong trào cách mạng ở trong nước, hoạt động của của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên… Ba người kết nghĩa anh em, nguyện cùng chí hướng với lời thề: “Nùng, Thổ, Kinh, Mán đều là người Việt Nam, hễ ai là người Việt Nam đều phải biết làm cách mệnh đánh Tây. Ba anh em mình từ hôm nay thề một bụng nghĩ việc cách mệnh cho đến thành công”.
Tháng 2/1928, Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ đến bản Đẩy (thuộc Long Châu) gặp ông Bùi Ngọc Thành, cán bộ phụ trách trạm liên lạc của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Biết nguyện vọng của hai anh muốn tham gia hoạt động cách mạng, ông Bùi Ngọc Thành đã bố trí hai người gặp các đồng chí của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đang hoạt động bí mật ở thị trấn Long Châu, trước mắt, Lương Văn Tri được giao nhiệm vụ củng cố cơ sở tổ chức hội khu vực Nam Ninh – Long Châu; Những ngày bỡ ngỡ biết bao gian truân thử thách với hai người thanh niên 17, 18 tuổi, mặc dù vậy, các anh vẫn không nản chí, bằng mọi cách, đã đánh lạc hướng được sự chú ý, kiểm soát của chính quyền địa phương khi Quốc dân Đảng tiến hành khủng bố những người cách mạng Trung Quốc và Việt Nam đang hoạt động ở Quảng Đông và Quảng Tây. Bằng nghị lực và niềm tin sắt son, cuối cùng, hai anh đã gặp được tổ chức cách mạng, trước mắt, các anh được giao nhiệm vụ vận động cách mạng ngay trên vùng biên giới Việt – Trung; được giới thiệu học nghề, làm việc. Cuối năm 1928, đồng chí Lương Văn Tri vinh dự được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và được tổ chức phân công sinh hoạt tại Chi hội Nam Ninh. Đây là vinh dự lớn của người thanh niên yêu nước Lương Văn Tri, với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, phấn đấu quên mình vì sự nghiệp chung, và từ đó, Lương Văn Tri nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, giác ngộ lý tưởng cộng sản.
Giai đoạn này, để có việc làm và phục vụ sinh hoạt, Lương Văn Tri làm công nhân ở xưởng Cơ khí Nam Hưng (là địa điểm liên lạc bí mật, tổ chức huấn luyện cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên). Trong thời gian học và làm việc, anh luôn chăm chỉ, khéo léo làm việc hiệu quả. Đến năm 1929, tình hình trong nước có bước chuyển biến quan trọng; trước đòi hỏi bức thiết của nhiều Hội viên Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Bắc kỳ, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập tại Hà Nội. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã có ảnh hưởng lớn đến tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên cả trong nước và nước ngoài; lúc này, với phương châm phát triển đảng viên từ tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên với tiêu chuẩn cụ thể là “Người nào có đủ tư cách là một đảng viên cộng sản thì được nhận vào Đông Dương Cộng sản Đảng”. Cuối năm 1929, đồng chí Lương Văn Tri được vinh dự kết nạp trở thành Đảng viên của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng (là một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Từ một thanh niên yêu nước, có ý chí, quyết tâm đánh đổ ách thống trị thực dân phong kiến, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân, Lương Văn Tri trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản, tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng tổ chức cơ sở cách mạng của Đảng.
Trong việc gây dựng, phát triển phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Lương Văn Tri được chi bộ phân công tuyên truyền, vận động phong trào quần chúng tỉnh Lạng Sơn, vận động thanh niên yêu nước sang dự các lớp huấn luyện ở Trung Quốc; góp phần thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn: Chi bộ Đảng Thụy Hùng, Văn Uyên giữa năm 1933; chi bộ Đảng ở Bắc Sơn năm 1936 và chi bộ Đảng ở Tràng Định năm 1938.
Suốt chặng đường hoạt động cách mạng, với sự nỗ lực quên mình, người thanh niên yêu nước, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất Lương Văn Tri – người con ưu tú của dân tộc, của quê hương Lạng Sơn đã có những cống hiến xuất sắc cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng và tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Lương Văn Tri là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn nói riêng và Nhân dân Việt Nam nói chung. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ Lạng Sơn, của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi nhận tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lương Văn Tri.
TRẦN HUYỀN /baolangson.vn