Những người cách mạng kiên trung ở Bắc Sơn

Thứ 6, 03.09.2021 | 16:53:00
932 lượt xem

Cứ độ thu về, tôi ngược quốc lộ 1B từ thành phố Lạng Sơn về mảnh đất Bắc Sơn lịch sử. Tại đây, tôi tìm đến các gia đình là ân nhân cách mạng, đã chở che cho cách mạng và các lãnh tụ của Đảng.

Sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9/1940), thực dân Pháp tập trung quân đàn áp, khủng bố dã man, đòi hỏi Trung ương phải có kế sách, chỉ đạo để đưa phong trào thoát khỏi tình thế hiểm nghèo.

Nhằm củng cố, xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, Trung ương tăng cường lực lượng lên chi viện cho Bắc Sơn như các đồng chí: Lương Văn Tri, Chu Văn Tấn, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên…

Ngược lại, để đàn áp và triệt tiêu phong trào cách mạng, thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã bằng nhiều thủ đoạn bắt bớ, cách ly cán bộ cách mạng với quần chúng Nhân dân, đánh phá các cơ sở của ta.

   Được cách mạng đổi tên

Đến Bắc Sơn, tôi tới gia đình ông Nam Tiến, một lão thành cách mạng sinh sống gần chợ thị trấn phố huyện. Nhớ lại, năm 1997, sau nhiều lần thuyết phục, ông Nam Tiến mới “mở lòng” trò chuyện, thuật lại câu chuyện ông làm giao liên cho cơ sở của Đảng.

“Tôi tên thật là Dương Văn Long, sinh năm 1930. Khoảng đầu năm 1940, tôi tròn 10 tuổi, được bố là Dương Văn Vân gọi đến bên bàn thờ tổ. Khi đó, nhà tôi ở núi Lân Táy, thuộc thôn Mỏ Pia, xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn. Bên cạnh người trong nhà còn xuất hiện một số người lạ. Bố bảo: Hôm nay chúng ta ăn thề làm cách mạng. Ai làm việc gì chỉ biết việc đấy. Khi bị địch bắt, nhất định không khai. Tôi rạo rực trong lòng, hăng hái chích máu vào bát rượu rồi cùng mọi người uống” -Ông Nam Tiến mở đầu câu chuyện.

Ông bà Nam Tiến (ảnh chụp tháng 8 năm 1987).  Ảnh: Duy Chiến

Để ghi dấu ngày đầu tham gia cách mạng, các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa Bắc Sơn đã đặt bí danh cho ông Long là Nam Tiến.

Kể từ những năm 1940, gia đình ông Nam Tiến trở thành nơi địa điểm liên lạc, đi lại của các đồng chí lãnh đạo Đảng và khởi nghĩa Bắc Sơn.

Ông Tiến cho biết: Do gia đình tôi, ai cũng nhanh nhẹn, tháo vát, khỏe mạnh, biết tính toán làm ăn nên thời điểm đó, gia đình thuộc diện khá giả của xã, nhờ vậy đã giúp đỡ được nhiều cho cách mạng. “Có lần, gia đình đã lo ăn uống, nghỉ ngơi và bảo vệ cho 50 người trong nhiều ngày liền, đồng thời có tiền để mua tiếp phẩm như: giấy bút, đèn pin và giầy ba ta cho đoàn đại biểu đảng ta đi dự Hội nghị trung ương VIII ở Pác Bó (Cao Bằng). Mỗi lần như vậy, tôi lại được giao nhiệm vụ xuống vườn mía trước cửa nhà cảnh giới hoặc giúp mẹ nấu cơm đãi khách” – Ông Tiến kể.

Ông Tiến nheo mắt rồi cho biết thêm: Lúc đứng canh giới, mắt phải tinh, tập trung quan sát kỹ càng và đặc biệt phải nhớ câu “Trâu vào ăn mía rồi” để báo hiệu khi có mật thám đến. Có bận, đồng chí Chu Văn Tấn viết một mảnh giấy có mấy chữ “Đoàn đã đến nơi” rồi cho vào một cái lỗ trong chiếc gậy chăn trâu rồi gọi Tiến đến bảo: “Cháu vào trong lũng Nà Vững gặp bác Quốc Vinh và Ngô Quang Bình thì đưa tờ giấy này. Nếu không gặp thì mang lại cho ông”.

Do thông thuộc địa hình lại nhanh nhẹn nên nhiều lần Nam Tiến được giao nhiệm vụ dẫn các đồng chí Trung ương luồn rừng sâu đi họp. Có lần, trên đường đi, bác Trường Chinh xoa đầu nói với Nam Tiến: “Cháu giỏi lắm, khi nào rảnh, bác sẽ dạy cho cháu biết chữ quốc ngữ và mai này đi làm cách mạng”.

   Vững vàng trước quân thù

Ông Dương Doãn Nguyệt, 98 tuổi, lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử hiện đang sống ở huyện Bắc Sơn cho biết: “Một hôm, do một tên Châu Đoàn đóng giả một người lái buôn đến khu bí mật của ta dò la tin tức. Thế là địa điểm cách mạng bị lộ. Đảng bộ Bắc Sơn quyết định đưa ngay các đồng chí Trung ương di chuyển đến Sa Khao (thôn Nam Hương, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn), cách nơi ở cũ chừng 10 km đường rừng. Hôm rời Lân Táy, đồng chí Trường Chinh nói với gia đình Nam Tiến: “Tôi rất biết ơn gia đình đã cưu mang. Khi chúng tôi đi chắc gia đình sẽ bị liên lụy. Nhưng phải giữ vững ý chí kiên cường vốn có. Nhất định cách mạng sẽ thành công”.

Ngày 25/7/1941, quân Pháp mở cuộc khủng bố quy mô lớn càn quyét, bắt người, cướp của, đốt phá nhà cửa và thẳng tay khủng bố các gia đình là cơ sở cách mạng. Gia đình ông Nam Tiến bị tra tấn dã man. Chúng treo ngược ông Dương Văn Vân cùng 2 anh của Nam Tiến lên xà nhà để đánh đập, tra khảo, bắt Nam Tiến và mẹ chứng kiến.

Ông Nam Tiến cho biết thêm: “Sau khi không khai thác được gì từ gia đình, bọn Pháp kết án bố tôi 20 năm tù khổ sai ở Sơn La và Hà Nội. Riêng tôi còn nhỏ nên giặc tạm thả về nhà nhưng lấy điểm chỉ 10 đầu ngón tay vào thẻ bài thuộc diện “đối tượng đen”.

   Hương ngàn xứ sở

Trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm cách mạng tháng Tám và 76 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2021), chúng tôi trò chuyện, hàn huyên, ôn cũ tri tân với ông Dương Minh Thuận – con trai cả của ông Nam Tiến.

Ông Thuận dẫn chúng tôi đến ban thờ thắp nhang cho cha mình, rồi cho biết: “Bố tôi mất năm 2013. Ông để lại cho chúng tôi tấm gương phấn đấu, hy sinh hết mình. Năm 1945, bố tôi (tức ông Nam Tiến) xung phong đi bộ đội, đến năm 1950 chuyển công tác ở Ty Công an Lạng Sơn. Năm 1972, ông giữ cương vị Phó Bí thư Huyện ủy Bắc Sơn, năm 1985, ông nghỉ hưu”.

Ông Thuận chỉ cho chúng tôi những bức ảnh ghi lại hình ảnh Tổng Bí thư Trường Chinh thăm gia đình vào các năm 1968 và 1980. “Bên cạnh đó, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chu Văn Tấn cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên chúng tôi” – Ông Thuận nói.

Trong ngào ngạt hương thơm từ ban thờ người cách mạng kiên trung, chúng tôi thấy trên tường có treo nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho ông Nam Tiến: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Hai và ông được công nhận là cán bộ hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám

Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, các con, cháu của ông Nam Tiến đã phấn đấu đỗ đạt, trưởng thành. Trong đó có ông Dương Xuân Huyên đang giữ cương vị Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn.


NGUYỄN DUY CHIẾN/baolangson.vn

  • Từ khóa