Văn kiện mang tính cương lĩnh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Chủ nhật, 19.09.2021 | 15:03:14
1,337 lượt xem

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ thể hiện tư duy lý luận và sự tổng kết thực tiễn của Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mà còn là thông điệp về nhận thức chân thực của những người cộng sản Việt Nam đối với những vấn đề lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội.

Chính sách kinh tế và chính sách xã hội thống nhất với nhau, thúc đẩy tổng thể tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội. (Ảnh: Chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho người dân ở Hà Nội)

Kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới vào năm 1986 đến nay, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu vĩ đại khiến cả thế giới quan tâm chú ý. Qua 35 năm đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thay đổi một cách to lớn về diện mạo kinh tế - xã hội của Việt Nam, mở ra con đường mới cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, hình thành nên lý luận mới về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam là kỳ đại hội quan trọng, có ý nghĩa kế thừa quá khứ, hướng tới tương lai, diễn ra trong bối cảnh sự nghiệp đổi mới qua 35 năm của Việt Nam đạt được thành tựu huy hoàng, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới.

Không lâu sau khi Đại hội XIII, tháng 5/2021, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bài viết đã nhận được sự quan tâm cao độ và hưởng ứng mạnh mẽ ở trong và ngoài nước. Đây là bài viết có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn quan trọng, định hướng cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân nỗ lực, phấn đấu nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất phát từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đứng từ góc độ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội và thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bài viết đã trình bày một cách hệ thống, toàn diện những tư duy sâu sắc và tổng kết kinh nghiệm, kết hợp với thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với chủ đề quan trọng “chủ nghĩa xã hội là gì và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa như thế nào”.

Bài viết ngay từ đầu đã nêu rõ định nghĩa về chủ nghĩa xã hội, tức là “chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc Liên Xô giải thể và Đông Âu sụp đổ không phải là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cũng không phải sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản, mà là thất bại của mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Chủ nghĩa tư bản với “chủ nghĩa tự do mới” đang được thúc đẩy trên phạm vi toàn cầu, hiện nay tuy vẫn có tiềm năng phát triển, nhưng không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản cố hữu của nó và hàng loạt khủng hoảng mà nó gây ra, tức là chế độ tư bản chủ nghĩa không thể nào giải quyết được triệt để khủng hoảng của chính bản thân nó.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là sự kết hợp giữa nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, là kết quả tất yếu của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu phấn đấu và lý tưởng cách mạng của Đảng, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là yêu cầu khách quan và lộ trình tất yếu của cách mạng Việt Nam. Khi chủ nghĩa xã hội trên thế giới rơi vào thoái trào, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì “xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Trong tiến trình lãnh đạo công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân xây dựng “một xã hội phát triển thực sự vì con người; một xã hội mà phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; môi trường sống phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân”. Nói tóm lại, đây chính là sự lựa chọn đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ đã kiên định lãnh đạo nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới.

Trong tiến trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, thông qua việc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hình thành nhận thức cơ bản về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, là nền kinh tế trong giai đoạn quá độ lên nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hoàn thiện, là mô hình kinh tế thị trường mới. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa kiên trì sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế và xã hội, chính sách kinh tế và chính sách xã hội thống nhất với nhau, thúc đẩy tổng thể tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo đất nước phát triển lành mạnh và bền vững. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đặt nền móng cho công cuộc đổi mới của Việt Nam, cung cấp sự đảm bảo vững chắc về chế độ cho xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, văn hóa xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kiên trì sự lãnh đạo và cầm quyền của Đảng ở Việt Nam.

35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu vĩ đại chưa từng có, đem lại sự thay đổi vô cùng to lớn, rõ rệt cho sự phát triển của Việt Nam. Từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ trước đổi mới, sau 35 năm phát triển với tốc độ cao, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước thu nhập thấp, trở thành một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trên thế giới. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có trình độ cao trên thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên thế giới từ năm 2020 đến nay và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, trở thành một trong các nước có đà phát triển tốt nhất trên toàn cầu. Những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.25, 26). Công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sở dĩ có thể đạt được những thành tựu to lơn như trên, suy cho cùng là bởi luôn kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, mà còn là nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra rằng: “Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.25, 26). Đảng Cộng sản Việt Nam đoàn kết và dẫn dắt nhân dân Việt Nam giành được những thành tựu vĩ đại chưa từng có, đã chứng minh đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, sự lãnh đạo kiên định của Đảng là đúng đắn, sáng suốt.

Thực hiện thành công công cuộc đổi mới, then chốt là ở Đảng; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, then chốt là ở công tác xây dựng Đảng. Xây dựng chính đảng mác-xít kiên cường, mạnh mẽ thì phải có một tập thể Ban lãnh đạo Trung ương Đảng trưởng thành, ổn định. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, coi trọng cao độ việc tăng cường xây dựng Đảng và sáng tạo lý luận, chuyển hóa hiệu quả xây dựng Đảng thành hiệu quả lãnh đạo công cuộc đổi mới, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy toàn diện công cuộc đổi mới hướng tới giai đoạn phát triển mới cao hơn. Năm 2011, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Năm 2016, Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những chủ đề của Báo cáo chính trị, coi việc chỉnh đốn tác phong trong Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng là hai nội dung hàng đầu, quan trọng nhất trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của 5 năm tới. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Năm 2021, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh “sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.104), lần đầu tiên trong Báo cáo trình Đại hội đề ra việc phải quán triệt  5 phương châm chỉ đạo của Đảng, đặt kiên trì và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào vị trí hàng đầu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thời gian dài làm công tác nghiên cứu lý luận của Đảng, là nhà lý luận có uy tín cao trong giới lý luận của Đảng. Tác phẩm Đổi mới ở Việt Nam: Lý thuyết và thực tiễn của Đồng chí xuất phát từ việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đã nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện các vấn đề về tư tưởng, lý luận, tìm tòi thực tiễn trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có quá trình làm chính trị phong phú, là người thúc đẩy và là “người cầm lái” cho sự nghiệp đổi mới và xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu đổi mới, từ năm 1991 - 1996, trên cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, với kiến thức lý luận sâu sắc và năng lực lãnh đạo chính trị xuất sắc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng cho sự nghiệp đổi mới của Việt Nam. Từ năm 2000 - 2011, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội. Trong hơn 10 năm đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội, khiến cho Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Với những thành tựu vĩ đại của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự ghi nhận, đồng thuận của đông đảo đảng viên và nhân dân đối với uy tín chính trị và vai trò nêu gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Đại hội XIII, đồng chí đã một lần nữa tái đắc cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với số phiếu cao, tiếp tục gánh vác trọng trách lãnh đạo công cuộc đổi mới.

Từ sau khi Liên Xô tan rã và Đông Âu sụp đổ đến nay, trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội trên thế giới rơi vào thoái trào, Việt Nam vẫn kiên trì chế độ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo kiên cường của Đảng Cộng sản Việt Nam, tìm tòi con đường phát triển chủ nghĩa xã hội đạt được những thành tựu vĩ đại trong công cuộc đổi mới, xây dựng và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Những thành quả nghiên cứu lý luận và tìm tòi thực tiễn đó cũng chính là sự đóng góp to lớn cho sự phát triển của chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Bài viết này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ thể hiện tư duy lý luận và sự tổng kết thực tiễn của Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mà còn là thông điệp về nhận thức chân thực của những người cộng sản Việt Nam đối với những vấn đề lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh thế giới đứng trước sự thay đổi chưa từng có trong 100 năm qua, trên cơ sở tìm tòi thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước mình, trong quá trình thúc đẩy phát triển sự nghiệp quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi sâu giao lưu, học hỏi lẫn nhau, "cầu đồng tồn dị", chung tay phát triển, cùng nhau đóng góp cho sự phát triển sự nghiệp chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì dùng những phát triển mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước mình để tạo cơ hội mới cho thế giới, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, cùng nhau góp phần duy trì hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới, tích cực nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp tiến bộ của xã hội loài người.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/van-kien-mang-tinh-cuong-linh-ve-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-665404/

  • Từ khóa