Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32 "về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", thay thế Quy định số 211, năm 2019, một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Ðảng trong phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Cuốn sách “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32 "về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", thay thế Quy định số 211, năm 2019, một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Ðảng trong phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đều là những biểu hiện tiêu cực, thường gắn liền với nhau, gây khó khăn cho con đường đi lên của đất nước. Trong đó, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là căn nguyên dẫn đến tham nhũng và ngược lại, tham nhũng sẽ làm cho suy thoái ngày càng trầm trọng hơn, nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Ðảng và chế độ ta.
Những năm gần đây, cuộc chiến chống tham nhũng được thực hiện một cách kiên trì, bài bản với quyết tâm chính trị cao nhất, đã mang lại kết quả rõ rệt; nhưng việc đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dù có chuyển biến, song thực trạng này vẫn còn phức tạp. Vì thế, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32 là để tăng cường sự chỉ đạo toàn diện, tập trung, thống nhất, quyết liệt trong toàn Ðảng; thực hiện đồng bộ giữa phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực, nhằm ngăn chặn, tiến đến đẩy lùi căn bệnh trầm kha của mọi thời đại.
Phòng, chống tham nhũng đã khó; phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" lại càng khó gấp bội, bởi nó trừu tượng, thường xuyên ẩn náu trong mỗi con người và sẵn sàng trỗi dậy làm cho con người ta gục ngã trước một cám dỗ nào đó. Thực tế đã có những người từng được xã hội tôn vinh, từng vang bóng một thời, nhưng không thắng nổi cái tôi vị kỷ, vun vén cá nhân, dẫn đến vi phạm pháp luật, tham nhũng, vướng vào vòng lao lý. Ðể chiến thắng kẻ thù hiểm nguy vô hình này, không thể một sớm, một chiều. Ðó là cuộc chiến lâu dài cần sự đồng lòng, góp sức của các tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như người nhạc trưởng, tập hợp, khơi dậy và phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng để thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ, từ xây dựng, tổ chức thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử thi hành án đối với những trường hợp vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ nào.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng nói chung là nhiệm vụ then chốt lâu dài, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Ðó là một quá trình vươn lên, hoàn thiện bản thân để chiến thắng chính mình, để Ðảng ta mãi mãi là niềm tự hào, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trên tiến trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; hoàn toàn không phải là đấu đá nội bộ như luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, của địch. Thành tích trong những năm phòng, chống tham nhũng gần đây là cơ sở để chúng ta tin rằng tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị đẩy lùi.
BẮC VĂN/nhandan.vn