Từ thời điểm dựng nước Văn Lang mấy nghìn năm trước, dân tộc Việt đã cố kết lại cùng nhau lên rừng, xuống biển khai khẩn, định cư, khẳng định cương vực, chủ quyền và từ đó mà quốc gia phát triển vững bền. Các thế lực ngoại bang không ngừng xâm chiếm. Lịch sử giữ nước của dân tộc ta luôn luôn phải đối đầu với các thế lực hùng mạnh. Nhưng dù lâu hay mau, các đạo quân xâm lược đều bị đánh đuổi và bờ cõi được giữ gìn vẹn toàn.
PGS, TS Vũ Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.
Niềm vinh quang đó có được là nhờ toàn dân đoàn kết. Ðoàn kết, dựa vào nhau trong dựng nước, giữ nước trở thành ý thức trong mỗi người dân, mỗi cộng đồng trong dân tộc Việt. Ðó là bài học lớn của lịch sử, sự đồng lòng của nhân dân, đồng lòng trên dưới và người lãnh đạo với người dân. Ðó là sức mạnh vô địch.
Ðầu thế kỷ 20, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đi tìm con đường mới của sự nghiệp cứu nước. Con đường ấy giải quyết nhiều vấn đề căn bản của cách mạng, trong đó Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người... đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”(1). Chế độ thực dân chia rẽ dân chúng để dễ cai trị; người dân chia rẽ thì sức yếu đi. “Vậy nên sức cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh”(2). Nghĩa là dân chúng phải có tổ chức lãnh đạo, dẫn đường. Ðảng cách mệnh tập hợp, giáo dục, giác ngộ và tổ chức dân chúng làm cách mệnh. Mùa Xuân 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðảng đã lãnh đạo mọi giai cấp, thành phần trong dân tộc đoàn kết đồng sức, đồng lòng giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945. “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng” (Hồ Chí Minh). Cách mạng Tháng Tám có những điều thật đặc biệt. Cách mạng giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật nhưng không dùng bạo lực với quân Nhật, bảo đảm cho họ chờ quân Ðồng minh vào và an toàn rút về nước. Cách mạng thể hiện tính nhân văn cao cả, chân thành mời những người trong bộ máy Nhà nước quân chủ phong kiến đã bị đánh đổ, tham gia chính quyền nhân dân. Cách mạng Tháng Tám và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hình ảnh và biểu thị sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Nhờ đó sức mạnh đoàn kết dân tộc do Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo ngày càng phát triển đưa tới sự toàn thắng của độc lập, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975).
Ngay sau chiến thắng 30/4/1975, Ðảng tuyên bố chính sách hòa hợp dân tộc, nhanh chóng thống nhất đất nước về mặt nhà nước, củng cố đoàn kết toàn dân, xây dựng lại đất nước. Nhờ đoàn kết mà chính trị, xã hội ổn định, khắc phục hậu quả 30 năm chiến tranh, vượt qua thách thức mới bởi sự bao vây, cấm vận và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc, sự phá hoại của các thế lực phản động nhất là của Fulro ở Tây Nguyên, chủ động, tích cực tìm con đường đổi mới.
Trong sự nghiệp đổi mới từ 1986 đến nay, đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là đường lối chiến lược của Ðảng và Nhà nước và được thực hiện nhất quán với nhận thức mới. Ðại đoàn kết dân tộc là đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài vì mục tiêu chung giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. “Ðại đoàn kết chủ yếu phải lấy mục tiêu chung đó làm điểm tương đồng, đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau, tất cả vì độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân”(3).
Nhìn lại tiến trình cách mạng Việt Nam, Ðảng đã tổng kết những bài học lớn trong sự lãnh đạo của Ðảng, mang tính quy luật và có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Một trong những bài học đó là: “không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Ðảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế”. Mọi chủ trương, chính sách, pháp luật, giải pháp trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế đều phải dựa trên quan điểm đó.
Hiện nay, cũng như các quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19. Ðể vượt qua thách thức nặng nề chưa từng có này, từ bài học lịch sử, đòi hỏi tăng cường sự lãnh đạo, điều hành của Ðảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung tay, góp sức của mỗi người dân, từng cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và các cấp, các ngành. Trong lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đã đoàn kết cần đoàn kết hơn nữa. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất và cả hành động thống nhất, có trách nhiệm của người dân, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của mọi thành viên trong xã hội. Bảo vệ mình cũng là bảo vệ người khác, bảo vệ cộng đồng.
Trong những ngày tháng không thể nào quên này, đã sáng lên tình yêu thương con người, nghĩa đồng bào, tiếp tục truyền thống đoàn kết của dân tộc. Nhân dân cả nước tôn vinh, khâm phục, biết ơn các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch: thầy thuốc, nhân viên y tế; chiến sĩ, sĩ quan quân đội, công an; các lực lượng tình nguyện, thanh niên, những người làm từ thiện. Khi đội ngũ các thầy thuốc, lực lượng vũ trang từ các tỉnh miền bắc, miền trung hăng hái vào chi viện cho các địa bàn tâm dịch ở Nam Bộ với tinh thần tất cả vì miền nam thân yêu, lại nhớ về những năm tháng đánh giặc, cứu nước.
Ba đợt đầu chống dịch đã có những kinh nghiệm hay của Hà Nội, Ðà Nẵng và Hải Dương. Ðợt thứ tư chống dịch từ ngày 27/4 đến nay quy mô, sự khốc liệt lớn hơn nhiều. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ của Ðảng, Chính phủ, các địa phương cũng có nhiều kinh nghiệm. Một số tỉnh Nam Bộ đã bước đầu kiểm soát được dịch bệnh để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Tại thành phố Hồ Chí Minh có những đơn vị: huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, quận 7 cơ bản kiểm soát được dịch. Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình Dân hỏi thành phố trả lời để kịp thời giải quyết mong muốn của dân và cũng lắng nghe sáng kiến của dân. Với sự chung sức, đồng lòng của cả nước, với sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, Chính phủ, cấp ủy và chính quyền các cấp kiên trì thực hiện giãn cách xã hội, 5K, 5T, vắc-xin, thuốc điều trị và bảo đảm an sinh xã hội, an dân, nhất định dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, bảo vệ được cuộc sống an bình của nhân dân.
Ðoàn kết thuộc phạm trù chính trị gắn với đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc. Ðoàn kết còn thuộc giá trị văn hóa, văn hiến, nhân văn, đạo đức. Dân tộc và cách mạng Việt Nam do Ðảng của Hồ Chí Minh lãnh đạo thấm nhuần sâu sắc những giá trị đó trong chiến lược đoàn kết với lẽ sống “thương người như thể thương thân”, “người trong một nước thì thương nhau cùng” và “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 2, trang 283.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 2, trang 289.
(3) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, tập 53, trang 75.
PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC
Theo nhandan.vn