LTS: Ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là một kết luận ban hành đúng thời điểm, có nội dung sâu sắc, thời sự, thiết thực, nhận được sự đồng thuận cao và sự quan tâm của toàn xã hội. Từ số báo hôm nay, Báo Quân đội nhân dân tổ chức Chuyên mục “Nói thẳng-làm thật”, với kỳ vọng tạo ra một diễn đàn xoay quanh câu chuyện làm gì để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích
Việc ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị là một việc cần kíp, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn và được ví như câu chuyện “cởi trói” cho sự sáng tạo, bứt phá của cán bộ vì lợi ích chung. Để kết luận sớm đi vào cuộc sống, trước hết đòi hỏi toàn Đảng và hệ thống chính trị phải hiểu cho thật đúng, làm cho thật nghiêm.
Bài 1: Việc cần kíp
Vì sao Bộ Chính trị lại ban hành Kết luận số 14-KL/TW vào thời điểm này? Kết luận sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với công tác cán bộ nói riêng, sự nghiệp cách mạng nói chung sắp tới?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người cũng chỉ rõ: “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể”. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. Bác cũng dặn, trong đánh giá, lựa chọn cán bộ phải trọng dụng cán bộ năng động, sáng tạo; phải hết sức tạo điều kiện cho cán bộ đột phá, đổi mới, cống hiến vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Ứng vào sự nghiệp cách mạng, nhất là công cuộc đổi mới hiện nay, như lời Bác dạy, muốn không lỗ vốn thì người cán bộ phải đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Chỉ khi nào người cán bộ mạnh mẽ loại cái cũ, dám đứng mũi chịu sào, dám làm những việc chưa có tiền lệ, việc mới, việc khó thì mới tạo ra chuyển biến tích cực ở cấp địa phương và cả Trung ương.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Thực tiễn cho thấy, sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã để lại dấu ấn đặc biệt đối với tổ chức và nhân dân. Không ít cán bộ trở thành tấm gương về đức hy sinh cho lợi ích chung của địa phương và đất nước. Đó là kết quả từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng; là thành quả giáo dục, rèn luyện cán bộ của tổ chức. Ấy thế nhưng chính sự thiếu đồng bộ trong cơ chế, sự ì ạch theo lối tư duy cũ, cộng thêm môi trường công tác còn nhiều bất hợp lý đã vô hình trung bó buộc, thậm chí triệt tiêu sức sáng tạo, bầu nhiệt huyết và lòng can đảm của không ít cán bộ. Nói cách khác, việc chưa có một khuôn khổ bảo vệ cho suy nghĩ và hành động tiên phong vì mục đích chung tốt đẹp, dám vì nhân dân mà “xé rào”, khiến nhiều cán bộ tài năng, tâm huyết bị nhụt chí, không dám đổi mới, sáng tạo. Hậu quả, một số cán bộ trở nên nhút nhát, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, là nguyên nhân khiến một số ngành, lĩnh vực, địa phương họ phụ trách chỉ hoạt động cầm chừng; kéo lùi công cuộc đổi mới và sự phát triển đất nước.
Thực tiễn cho thấy, đã có không ít bài học đau xót từ chính việc cán bộ mạnh dạn “xé rào”, đề xuất ý tưởng, phát kiến đi trước vượt tầm thời đại... mà không được tổ chức bảo vệ, ủng hộ. Nguyên nhân do năng lực thẩm định, đánh giá của tổ chức chưa ngang tầm, mang nặng áp đặt, chủ quan và cả sự đố kỵ, vị kỷ. Hậu quả, nhiều cán bộ bị vùi dập, thậm chí còn bị rơi vào lao lý. Đó là một thực tế có thật. Mỗi chúng ta vẫn cảm nhận rõ và nhói đau khi nghĩ đến hoặc nhắc lại!
Trong khi ở một số quốc gia tiến bộ hiện nay, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ trong bộ máy cầm quyền của họ được hiện thực bằng hệ thống pháp luật đồng bộ và cơ chế pháp lý khá hoàn thiện đã tạo nên những cú hích cho sự sáng tạo, thúc đẩy phát triển. Học hỏi cái hay, nghiêm túc rút kinh nghiệm từ những sai sót đã xảy ra là điều tất yếu phải làm.
Việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là giải pháp căn cơ đối với công tác cán bộ; trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của các ngành, địa phương. Xét đến cùng, đây là cơ chế tạo động lực cho bước bứt phá, thay đổi về chất đối với nguồn nhân lực đất nước nói chung, đội ngũ cán bộ của Đảng nói riêng; khẳng định vai trò, sứ mệnh là chủ thể của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Hay nói cách khác, để bước tiếp chặng đường đổi mới, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, phát triển, cần lắm những cán bộ tài giỏi, dũng cảm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vì nhân dân. Hơn thế, để cán bộ thực sự là tài sản quý giá của đất nước, cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích và bảo vệ, để cán bộ yên tâm phát huy hết tài năng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chính vì vậy, sự ra đời Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị là một đòi hỏi tất yếu.
Nhiều ý kiến cho rằng, Kết luận số 14-KL/TW ra đời rất đúng thời điểm mà dấu mốc là khi chúng ta trải qua 35 năm đổi mới. Lúc này, cường độ, nhịp điệu đổi mới đang đòi hỏi phải có sự chuyển biến về chất. Trong khi đội ngũ cán bộ của Đảng cũng tích hợp đủ những yếu tố cần thiết cho sự bứt phá mới. Có được điều đó là bởi sau nhiều nhiệm kỳ, chúng ta đã tập trung lãnh đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt nhiều thành quả; xây dựng đội ngũ cán bộ với nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực đạo đức, tạo điều kiện “cần” và “đủ” để kích hoạt những bước tiến dài về năng lực, tài năng của cán bộ. Hơn thế, việc ra đời của Kết luận số 14-KL/TW là bước đi cụ thể hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”-dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu-một nội dung rất mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mở đường để chủ trương trở thành quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đột phá một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Ngay sau khi Kết luận số 14-KL/TW được ban hành, dư luận xã hội, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, nhiều tổ chức xã hội và cả ở khu vực hành chính công đã bày tỏ sự tin tưởng rất cao vào chủ trương kịp thời, đúng đắn này. Cán bộ, quần chúng thực sự kỳ vọng những nội dung trong kết luận sẽ sớm góp phần giải phóng sức sáng tạo của nhiều cán bộ có tâm, có tài nhưng chưa mạnh dạn đóng góp sức mình trong công cuộc quản trị doanh nghiệp, địa phương và rộng hơn là tầm quốc gia, dân tộc và nhân loại. Khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, ích kỷ cá nhân, cơ hội, lợi ích nhóm; không dám nghĩ, không dám làm, không dám sáng tạo, đổi mới và không dám chịu trách nhiệm khi gặp sai lầm, khuyết điểm; nhất là tình trạng thụ động chấp hành mệnh lệnh, thậm chí là mệnh lệnh chưa đúng hay lỗi thời... khiến những cơ hội đột phá, sáng tạo để phát triển trong lĩnh vực mình phụ trách bị mất thời cơ, không được hiện thực hóa.
(còn nữa)
NGUYỄN TUÂN - NGUYỄN HÒA/qdnd.vn