Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chính quyền huyện Củ Chi phải tiếp tục phát huy kết quả đạt được, cố gắng giữ vững "vùng xanh", góp phần giữ vững tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi.
Sáng 11/10, Tổ Đại biểu quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh, đơn vị số 10, khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm và trực tuyến đến điểm cầu ở 20 xã.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, đi vào vấn đề bức xúc cụ thể tại địa phương mà đông đảo cử tri đặt ra. Theo Chủ tịch nước, huyện Củ Chi là 1 trong 2 quận, huyện làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, có nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt, vận động nhân dân để ngăn chặn có hiệu quả số người nhiễm, số người tử vong trên địa bàn.
Đặc biệt địa phương đã vận động mạnh mẽ mọi nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất hỗ trợ cao nhất công tác phòng, chống dịch mang lại hiệu quả. “Đoàn ĐBQH đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền huyện Củ Chi và đặc biệt là sự đoàn kết, ủng hộ cao của người dân để góp phần đưa huyện Củ Chi, là 1 trong 2 địa phương cùng quận 7 trở thành vùng xanh đầu tiên của TP Hồ Chí Minh”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước đề nghị Chính quyền huyện Củ Chi tiếp tục phát huy kết quả đạt được, cố gắng giữ vững vùng xanh, góp phần giữ vững tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Kết quả kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm cũng cho thấy, dù huyện Củ Chi phát triển không bằng cùng kỳ năm ngoái nhưng không để tăng trưởng âm, điều đó cho thấy sự nỗ lực, sự đoàn kết, chống dịch trong toàn dân và cả bộ máy chính quyền.
Để thích ứng an toàn với Covid-19 vẫn là vaccine và 5K, do đó Chủ tịch nước đề nghị bà con Củ Chi không được chủ quan, lơ là, nếu vaccine chuyển về địa phương thì lực lượng y tế phải tiêm ngay cho người dân chưa tiêm đủ. Theo Chủ tịch nước, chương trình tiêm vaccine cho trẻ em được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, Chính phủ đang quyết tâm và phấn đấu cuối tháng 10 sẽ tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em để các em được đến trường, hạn chế các em nhỏ tuổi phải học trực tuyến. Việc học tại trường không chỉ có duy trì kiến thức mà còn tạo điều kiện để các em giao lưu, bồi dưỡng văn hóa, tham gia các hoạt động cộng đồng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: huyện Củ Chi là địa phương sớm thoát khỏi dịch nhưng cần nhanh chóng phối hợp với các địa phương lân cận khai thông vận chuyển hàng hóa, giúp giao thông đi lại thuận lợi; nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giới thiệu và giải quyết việc làm sau khi mở cửa để nhanh chóng phục hồi nguồn lực lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, địa phương phải phấn đấu làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho gia đình chính sách, hộ khó khăn, chăm lo sinh kế, tâm lý, phục hồi trên mọi mặt sau đại dịch. Tiếp tục khắc phục các điểm nghẽn, trong đó có Nghị quyết 68 của Chính phủ để chính sách hỗ trợ an sinh của TP Hồ Chí Minh, Chính phủ sớm đi vào cuộc sống.
Tại cuộc gặp, cử tri Lê Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi nêu vấn đề, công văn số 2337 ngày 13/7/2021 của UBND TP Hồ Chí Minh về dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 có nêu: “Trường hợp các doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu thì dừng hoạt động; thời gian dừng hoạt động từ ngày 15/7/2021…”.
Tại địa bàn huyện có nhiều công ty đăng ký thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, không thuộc doanh nghiệp phải dừng hoạt động theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền nhưng thực tế lại có nhiều công nhân tại các doanh nghiệp này đã mất việc từ nhiều tháng nay, cần được hỗ trợ.
Để tháo gỡ vướng mắc này, bà Tuyết kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với công nhân tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động tại các Công ty thực hiện phương án “3 tại chỗ” theo Quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; qua đó ĐBQH quan tâm giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết này.
Cử tri Phan Kim Hoàng, xã Trung An cho rằng, y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng, là điểm đầu tiên tiếp cận xử lý về khám chữa bệnh cho người dân. Thế nhưng hiện Trạm y tế xã Trung An chỉ có 1 bác sĩ, để phòng, chống dịch bệnh thì nhu cầu càng cao hơn do đó Trung ương cần bố trí thêm biên chế cho tuyến y tế cơ sở cũng như trang bị cơ sở vật chất để y tế xã có đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe cho toàn dân cũng như công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Đồng thời cần có sự gắn kết trạm y tế xã với Trung tâm y tế huyện, gắn kết về công tác chuyên môn, kết nối thông tin dữ liệu, quy trình khám chữa bệnh… Cũng như các cử tri khác của huyện, bà Hoàng mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế sớm quan tâm tổ chức tiêm vaccine cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi để các em có điểu kiện đi học trở lại.
Liên quan đến công tác quy hoạch chậm thực hiện, cử tri Trần Văn Hồng, xã An Nhơn Tây phản ánh: Dự án Thảo cầm viên Sài Gòn-Safari được quy hoạch đã 17 năm nhưng chưa có chủ đầu tư tham gia thực hiện đã gây khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, người dân địa phương kiến nghị Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét có ý kiến chuyển đổi Quy hoạch dự án xây dựng Thảo cầm viên thành phố sang dự án Khu công nghiệp công nghệ cao, tránh tính trạng lãnh phí đất đai, tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; qua đó khơi thông thế mạnh về giao thông đường thủy, kết hợp đầu tư hạ tầng đô thị và giao thương đi lại của khu vực.
Quý Hiền/nhandan.vn