Gần đây, Bình Định là địa phương có các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các tập đoàn, doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế, đã có không ít nhà đầu tư không đáp ứng được những yêu cầu của địa phương về môi trường, do chủ trương của tỉnh là ưu tiên phát triển công nghiệp xanh. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí HỒ QUỐC DŨNG, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định về chủ đề này.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng (người thứ hai, từ trái sang) thăm Trung tâm Sáng tạo khoa học TMA Quy Nhơn. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Phóng viên: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định nhấn mạnh mục tiêu: Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Để có những đột phá trong lĩnh vực này, tỉnh đã đề ra những định hướng và chính sách như thế nào? Các giải pháp, biện pháp cụ thể để thu hút, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Quốc Dũng: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ 20 đề ra năm trụ cột tăng trưởng và ba khâu đột phá cho sự phát triển của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, trong đó phát triển công nghiệp là trụ cột đầu tiên và quan trọng nhất, là động lực để nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội 20 Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai cụ thể.
Trong định hướng phát triển công nghiệp, Bình Định tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả hoạt động Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn. Tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ… Để thực hiện điều này, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp, trong đó tập trung rà soát, bổ sung, sửa đổi các chính sách về thu hút đầu tư gắn với điều kiện nâng cao giá trị gia tăng, ưu tiên các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ thân thiện với môi trường. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng quy định khuyến khích xã hội hóa các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp. Xây dựng, triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…
Thứ hai, tập trung phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp, làng nghề theo quy hoạch, nhất là dự án Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là công trình hạ tầng bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo điều kiện về mặt bằng sạch, thuận lợi trong thu hút đầu tư. Ưu tiên vốn ngân sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài để kết nối đồng bộ các khu, cụm công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là hạ tầng dịch vụ hậu cần (logistics).
Ba là, chú trọng phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án công nghệ thông tin. Thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư phát triển công nghệ thông tin (ITC), trí tuệ nhân tạo (AI) gắn với khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh. Xây dựng đề án và tham gia vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược Trí tuệ nhân tạo và Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.
Phóng viên: Bình Định đã loại bỏ một số dự án đầu tư lớn do nguy cơ ô nhiễm môi trường, nghĩa là phát triển công nghiệp xanh là xu hướng và cũng là kỳ vọng của tỉnh. Xin đồng chí cho biết, tỉnh đã có giải pháp, biện pháp cụ thể gì để vừa phát triển công nghiệp, vừa bảo vệ môi trường, nhất là trong các ngành nghề liên quan trực tiếp đến nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng và biển?
Đồng chí Hồ Quốc Dũng: Bảo vệ môi trường luôn là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của các cấp, các ngành, các thế hệ lãnh đạo trong tỉnh. Tỉnh ủy Bình Định (khóa 19) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, cho dừng nhiều dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như dự án Tổ hợp lọc, hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội với quy mô rất lớn. Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường và tập trung ứng phó biến đổi khí hậu bằng những quy định, biện pháp, giải pháp cụ thể, không đánh đổi môi trường bằng những lợi ích kinh tế ngắn hạn.
Công nghiệp xanh được xem là hướng phát triển tất yếu hiện nay, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khi hoạt động đều phải có công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định; duy trì 100% tỷ lệ chất thải công nghiệp được thu gom và xử lý đạt chuẩn môi trường. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; chú trọng phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Tỉnh tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý chất thải cho các doanh nghiệp. Thu hút đầu tư và tạo điều kiện để các nhà máy nước, nhà máy xử lý chất thải đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mở rộng đô thị và phát triển các khu, cụm công nghiệp. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, bảo đảm quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tiết kiệm, bảo đảm cân bằng sinh thái và an sinh xã hội.
Đối với các ngành nghề liên quan trực tiếp đến nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng và biển, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, triển khai các phương án, mục tiêu phát triển cụ thể, vừa bảo đảm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, vừa giữ gìn môi trường, trong đó định hướng rõ đối với từng ngành. Như ngành chế biến khoáng sản, phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, cải tiến công nghệ khai thác, chế biến tinh, nâng cao giá trị sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường. Hay đối với các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm, đồ uống trên cơ sở gắn với vùng nguyên liệu và lợi thế của tỉnh, nhất là lợi thế về kinh tế biển, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh cũng chú trọng phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, tuy nhiên phải dựa trên cơ sở nguồn tài nguyên sẵn có. Các ngành công nghiệp chế tạo máy, cơ khí cũng được đầu tư theo hướng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo nhandan.vn