Sáng 23/10, tại Khu di tích quốc gia Bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cán bộ, chiến sĩ, tướng lĩnh Vùng 5 Hải quân cùng chính quyền và nhân dân địa phương đến đặt tràng hoa, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng, liệt sĩ đã làm nên chiến công của tuyến đường huyền thoại, nhân Kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021).
Tưởng niệm, dâng hương kỷ niệm 60 đường Hồ Chí Minh trên biển tại Di tích quốc gia Bến Vàm Lũng vào sáng 23/10.
Tại Di tích lịch sử quốc gia Bến Vàm Lũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đọc diễn văn ôn lại quá khứ hào hùng đã làm nên chiến công của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
60 năm về trước, chiếc tàu gỗ mật hiệu “Phương Đông 1” do thuyền trưởng Lê Văn Một, cùng chỉ huy là đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên và 11 chiến sĩ đã rời bến Ðồ Sơn (Hải Phòng), chở theo hơn 30 tấn vũ khí đã cập bến Vàm Lũng an toàn sau 5 ngày đêm vượt biển, mở ra con đường huyền thoại trên Biển Đông gắn với đoàn tàu không số.
Sau thành công từ chuyến tàu đầu tiên ấy, những chuyến tàu không số mật hiệu “Phương Ðông 2”, “Phương Ðông 3”… lần lượt vượt biển an toàn, mang theo vũ khí tập kết tại 4 cụm bến dã chiến ven biển, gồm: Vàm Lũng, Bồ Đề, Vàm Hố (tỉnh Cà Mau); Long Vĩnh, Trường Long Hòa (tỉnh Trà Vinh); Thạnh Phong, Cồn Rừng (tỉnh Bến Tre) và Rạch Chanh (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Biểu tượng đoàn tàu không số tại Khu di tích quốc gia Bến Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Riêng tại bến Vàm Lũng, trong vòng 10 năm (từ năm 1962-1971), Đoàn 962 (sau này là Trung đoàn Hải quân 962) đã tiếp nhận hơn 70 chuyến hàng với hơn 4.200 tấn vũ khí các loại, phục vụ đắc lực cho cuộc chiến tranh của quân và dân miền nam, góp phần làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975.
Tại Cà Mau, điểm đến của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển gắn liền với tên tuổi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa. Đó cũng là thành tích đầy tự hào của Trung đoàn 962 - đơn vị đã 2 lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đã làm tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn bến bãi, tiếp nhận, cất giấu, bảo quản vũ khí, vận chuyển vũ khí đến các đơn vị quân giải phóng, cũng như bảo đảm an toàn cho những con tàu không số ra vào bến bãi.
Đã có những cán bộ, chiến sĩ của đoàn tàu không số, của bến Vàm Lũng anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm lại cùng sóng nước…, nhưng với vai trò là bến cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên biển, Vàm Lũng đã làm tròn xứ mệnh lịch sử, trở thành thiên anh hùng ca bất tử gắn liền ý chí của Ðảng, khát vọng của toàn dân, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần đoàn kết, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, quyết đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển đi vào lịch sử và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, là biểu tượng cao đẹp của tình quân - dân thắm thiết. Truyền thống tốt đẹp ấy tiếp tục được thế hệ trẻ địa phương hôm nay hun đúc, tiếp nối, phát huy bằng việc tăng gia lao động, sản xuất vì sự đi lên của quê hương, để những con tàu không số, những bến cảng không tên ở chiến tích Vàm Lũng mãi trường tồn cùng thời gian.
Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại huyện Ngọc Hiển.
Ngay sau buổi lễ, thay mặt Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Duy Tỷ, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã trao tặng 27 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại huyện Ngọc Hiển và khởi công xây dựng căn nhà tình nghĩa (trị giá hơn 80 triệu đồng) hỗ trợ gia đình chính sách trên địa bàn huyện Năm Căn.
* Ngày 23/10, tại Di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021).
Ngày 23/10, tại Di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021).
Dự lễ có đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đọc diễn văn ôn lại chặng đường lịch sử hào hùng, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với những cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số và lực lượng chỉ huy phục vụ bến của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Cuối năm 1964, Bộ Tổng tư lệnh giao Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở rộng tuyến vận tải đường biển vào các bến thuộc địa bàn Khu 5. Trung ương giao cho Phân khu nam và Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm vụ chọn bến, bãi để tiếp nhận vũ khí từ miền bắc chi viện bằng đường biển cho Khu 5. Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy III và Phân khu nam tổ chức hội nghị liên tịch tại Suối Phẩn (nay thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) bàn biện pháp và chọn bến, bãi đón tàu và thống nhất chọn Vũng Rô, nơi ba phía đều có núi bao bọc, nước sâu nhưng không lệ thuộc thủy triều, tàu 100 tấn ra vào dễ dàng, có nhiều bãi nhỏ như bãi Chính, bãi Lau, bãi Chùa trở thành điểm nhận hàng hóa.
Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 28/11/1964, chiếc “Tàu không số” đầu tiên mang số hiệu 41 do cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, trung tá Hồ Đắc Thạnh, người con của Phú Yên làm thuyền trưởng chở hơn 60 tấn vũ khí, thuốc men chi viện cho chiến trường Phú Yên, Khánh Hòa và Tây Nguyên cập bến Vũng Rô an toàn.
Trong thời gian từ tháng 11/1964 đến tháng 1/1965, Tàu 41 đã 3 lần cập bến thành công, chi viện gần 200 tấn vũ khí cho lực lượng vũ trang Phân khu 5 và Tây Nguyên. Trong tầm truy soát gắt gao của quân thù, cán bộ, chiến sĩ và dân quân tại bến Vũng Rô vẫn kiên cường, băng qua đạn lửa của địch, kịp thời vận chuyển vũ khí vào tiếp tế cho chiến trường.
Thả vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tàu không số và bến Vũng Rô.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nhấn mạnh, đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, là một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước, là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm, khí phách anh hùng của dân tộc ta.
Tự hào về truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên hôm nay và mai sau luôn trân trọng gìn giữ, phát huy; quyết tâm biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thành chủ nghĩa anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thành ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; xây dựng tỉnh Phú Yên phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với những công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước, viết tiếp trang sử vàng vẻ vang, hào hùng của dân tộc và quê hương.
Sau lễ kỷ niệm, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cùng các đoàn thể, nhân dân và Thuyền trưởng Tàu 41, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh đã tổ chức lễ viếng và thả vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tàu không số và bến Vũng Rô.
HỮU TÙNG - TRÌNH KẾ/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/nhieu-dia-phuong-ky-niem--670748/