Năm 2021, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 87,05%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, một số loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt đã phát sinh tội phạm tham nhũng liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. Ảnh: LINH NGUYÊN
Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm về tổng thể
Ngày 23/10, báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, năm 2021, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp tục coi trọng việc kết hợp giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công, trấn áp tội phạm.
Chính phủ đã tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội những giải pháp cơ bản, chiến lược về bảo vệ an ninh quốc gia; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị trọng đại; tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng, an ninh truyền thông, an ninh xã hội, dân tộc, tôn giáo; giữ vững an ninh, trật tự tại các địa bàn chiến lược. Kịp thời khởi tố điều tra, làm rõ các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.
Đồng thời, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội được tăng cường. Kết quả tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận.
Điển hình, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%. Trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, đều vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%.
Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, cho rằng tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm về tổng thể chung, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu tình trạng một số loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp và chiều hướng gia tăng, như: chống người thi hành công vụ; hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và lực lượng công an; tội phạm ma túy; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đánh bạc…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: LINH NGUYÊN
Đáng chú ý, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra rằng công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.
Phát sinh tội phạm tham nhũng liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý; nhất là trong đấu tranh với các vi phạm trong buôn bán các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chính phủ đã đẩy mạnh điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đáng chú ý, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội. Mặc dù, tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm, nhưng tình hình tội phạm gia tăng.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: LINH NGUYÊN
Năm 2021, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 86.032 vụ án, tăng 2,1% so với năm 2020, trong đó, có nhiều vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã được phát hiện khởi tố.
Đáng chú ý, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất (15,2%), chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai. Một số loại tội phạm phát sinh có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, số vụ án xâm phạm trật tự xã hội tăng 6%; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, tổ chức đánh bạc và tội phạm về ma túy xảy ra nhiều vụ với quy mô rất lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục... đặc biệt đã phát sinh một số loại tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng vẫn còn.
Trịnh Dũng/nhandan.vn