Từ đầu năm 2023 tới nay, ngoài Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, còn có nhiều cán bộ, lãnh đạo ở các địa phương xin nghỉ hưu sớm nhiều năm, thu hút sự chú ý của dư luận.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa quyết định ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 1/4.
Ông Sơn sinh năm 1964, là phó giáo sư, tiến sĩ y khoa, theo kế hoạch sẽ nghỉ hưu vào năm 2025.
Trong năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn có 3 lần gửi đơn xin thôi việc và chính thức thôi việc theo nguyện vọng cá nhân từ 1/11/2022. Đó là thời điểm ông vừa trải qua đợt điều trị ung thư tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ông Nguyễn Trường Sơn (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN).
Cuối năm 2021 và giữa năm 2022, ông Sơn hai lần bị kỷ luật do lần lượt có liên quan đến sai phạm tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế (kỷ luật khiển trách) và vụ liên quan đến Công ty Việt Á (kỷ luật cảnh cáo).
Cũng trong tuần này, thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành có quyết định đồng ý cho ông Hà Thái Nguyên - Phó Giám đốc Sở Tư pháp nghỉ hưu trước tuổi, sớm 4 năm, theo "nguyện vọng cá nhân" thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ông Nguyên giữ chức Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc từ tháng 1/2015 đến nay. Giữa năm 2022, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc kết luận, ông Hà Thái Nguyên "cùng chịu trách nhiệm về vi phạm của Đảng ủy Sở Tư pháp Vĩnh Phúc", thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn tới những vi phạm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ. Sau đó, ông Nguyên bị kỷ luật cảnh cáo.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hà Thái Nguyên được nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 143/2020 của Chính phủ về tinh giản biên chế.
Trước đó, vào giữa tháng 2/2023, UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định cho thôi giữ chức vụ và nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với ông Lê Anh Tuấn (sinh năm 1964) - Giám đốc Sở Xây dựng.
Ông Lê Anh Tuấn (Ảnh: N.L).
Trước Tết Nguyên đán Quý Mão, ông Lê Anh Tuấn đã có đơn gửi cấp trên đề đạt nguyện vọng xin được nghỉ hưu sớm trước 3 năm vì lý do sức khỏe. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình sau đó đã họp bàn, xem xét và chấp thuận việc xin nghỉ hưu trước tuổi "theo nguyện vọng cá nhân" của ông Tuấn.
Cũng trong tháng 2/2023, ông Đặng Thanh Nam (56 tuổi) - cựu Phó Bí thư Huyện ủy, cựu Chủ tịch UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) được nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng.
Khi nghỉ hưu, ông Nam đang là công chức Văn phòng HĐND và UBND huyện Kon Plông. Ông từng giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông nhưng đã bị cách chức để xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng.
Đầu tháng 3, ông Nguyễn Tầm Dương - Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi, sau 20 tháng làm Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương. Theo tuổi thì ông Dương nghỉ hưu sớm 9 tháng.
Ông Dương cho biết đã chủ động nộp đơn từ 6 tháng trước và gặp trực tiếp các lãnh đạo tỉnh Bình Dương để trình bày nguyện vọng, tới nay mới được chấp thuận.
Đến cuối tháng 3/2023, UBND tỉnh Tiền Giang cũng có quyết định chấp thuận cho ông Trần Thanh Thảo (SN 1964) - Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang được nghỉ hưu từ ngày 1/4. Ông Thảo có đơn xin nghỉ vì lý do sức khỏe.
Vào tháng 4/2023, ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa có đơn nêu nguyện vọng cá nhân xin nghỉ hưu trước tuổi để đi chữa bệnh. Theo Nghị định 108/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giảm biên chế, ông Trịnh Hữu Hùng đủ các điều kiện để được nghỉ hưu trước tuổi. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất theo nguyện vọng của ông Hùng.
Ông Trịnh Hữu Hùng (Ảnh: X.H.).
Được biết, vào tháng 12/2022, ông Hùng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trước năm 2023 cũng có nhiều lãnh đạo, cán bộ, công chức ở nhiều địa phương trên cả nước xin nghỉ hưu trước tuổi với nhiều lý do khác nhau, trong đó tập trung vào nguyên nhân "lý do sức khỏe", "đi điều trị bệnh", "nguyện vọng cá nhân" hoặc thuộc diện tinh giản biên chế,…
Theo Nghị định 26/2015 của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, những cán bộ thuộc diện này có thể lựa chọn 1 trong 3 chính sách hiện hành. Thứ nhất, nếu lãnh đạo có nguyện vọng thì được nghỉ hưu trước tuổi. Thứ hai, cán bộ lãnh đạo có thể nghỉ chờ hưu. Thứ ba, nếu cán bộ lãnh đạo có nguyện vọng tiếp tục công tác thì tổ chức sẽ bố trí công việc phù hợp. Ngoài ra, Chính phủ có Nghị định số 143/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế. Hướng dẫn thực hiện quy định trên, Bộ Nội vụ cho biết các trường hợp tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của năm thực hiện tinh giản biên chế quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 135/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì tùy từng trường hợp cụ thể được hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 4 Điều 8 Nghị định số 108/2014 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 143/2020). Các trường hợp tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của năm thực hiện tinh giản biên chế quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 135/2020 và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 thì tùy từng trường hợp cụ thể được hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 8 Nghị định số 108/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 143/2020)… |
Theo dantri.com.vn