Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri là minh chứng cụ thể cho tinh thần đổi mới, trách nhiệm, sự tôn trọng ý kiến của cử tri, quan tâm đến kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đại biểu thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP
Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên, sáng 22/5, Quốc hội đã nghe đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo tóm tắt về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4.
Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đều nhìn nhận Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội. Quốc hội rất coi trọng tiếng nói, kiến nghị của cử tri và nhân dân cũng như vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nhân dân, của các cơ quan có thẩm quyền.
Tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết, cử tri hoan nghênh trước sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện trong hoạt động của Quốc hội, ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch. Nội dung thảo luận về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cũng là một sự đổi mới để Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết hơn với cử tri.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cũng phản ánh, do đặc điểm địa thế, vị trí địa lý, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn có kinh tế dựa trên nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chi phí cho vật tư, vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao. Bên cạnh những vấn đề liên quan đến con giống, xăng dầu, nay giá điện cũng tăng khiến cho nhiều cử tri lo lắng.
Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ tăng cường các giải pháp bình ổn giá vật tư đầu vào để bình ổn sản xuất, có chiến lược cụ thể, rõ ràng, thiết thực hơn trong quy hoạch vùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, có hỗ trợ cụ thể hơn với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cũng đề nghị Chính phủ xúc tiến ban hành chủ trương điều chỉnh hợp nhất bổ sung những cơ chế chính sách, hỗ trợ kinh phí sự nghiệp hàng năm, giúp cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sớm triển khai đầu tư xây dựng các cụm tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập lũ, đáp ứng yêu cầu di dời, ổn định đời sống cho các hộ khó khăn đang sinh sống trong vùng ngập lũ, các vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm trước những biến động phức tạp liên quan đến tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ, cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng theo đúng quy định.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm, được chỉ đạo triển khai liên tục từ trước tới nay. Các địa phương đang mong chờ những hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh công tác này.
Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) cũng đánh giá cao báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi. Đại biểu cho biết, các kiến nghị của cử tri hầu hết đã được giải quyết dứt điểm, nhận được sự ủng hộ của cử tri và nhân dân. Tuy nhiên, một số kiến nghị tuy đã được tiếp thu, giải quyết, nhưng còn chuyển biến chậm, chưa được giải quyết kịp thời do việc phối hợp công tác giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Huấn cho rằng đó là minh chứng cụ thể cho tinh thần đổi mới, trách nhiệm, sự tôn trọng ý kiến của cử tri, quan tâm đến kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Báo cáo cần làm rõ lĩnh vực nào có chuyển biến tích cực, cơ quan nào đã có tiến bộ rõ rệt trong giải quyết kiến nghị của cử tri, đặc biệt là giám sát kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã có tác động như thế nào.
Đại biểu cũng đề nghị Ban Dân nguyện quan tâm hơn nữa, đôn đốc việc trả lời kiến nghị của cử tri với các bộ, ngành Trung ương, nhất là kiến nghị của cử tri được tiếp thu, triển khai nhưng chưa giải quyết dứt điểm.
Khi xây dựng kế hoạch, Ban Dân nguyện cần chú ý giám sát nội dung trả lời các kiến nghị đối với vụ việc còn chậm, nhiều bức xúc nổi cộm, những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần đã được trả lời nhưng chưa có chuyển biến tích cực.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) lại cho rằng cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết kiến nghị cử tri. Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, vẫn còn nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến nhiều bộ, ngành chưa được giải quyết dứt điểm.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, bên cạnh cơ chế phối hợp, cần quy định rõ trách nhiệm chủ trì trong việc giải quyết những kiến nghị có liên quan đến nhiều bộ, ngành, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến chính sách.
Đồng thời kiến nghị khi triển khai những chính sách cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, cân nhắc xem xét những tác động trực tiếp, gián tiếp để có những quy định hợp lý ngay từ đầu, góp phần giảm thiểu những khiếu nại, khiếu kiện.
Trong quá trình thực hiện cần tăng cường vai trò giám sát để kịp thời phát hiện những vướng mắc, có cơ chế điều chỉnh, bổ sung.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng đề nghị để đảm bảo theo dõi tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, và giám sát các kiến nghị cần có danh mục các kiến nghị và liên thông với các đoàn đại biểu Quốc hội để Quốc hội theo dõi, giám sát các kiến nghị này đến cùng và để các đại biểu Quốc hội có thể trả lời các cử tri.
Trả lời cử tri cần chi tiết, có sự hướng dẫn cụ thể
Phát biểu ý kiến về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) đánh giá cao những nỗ lực của Ban Dân nguyện. Đại biểu cho rằng, các đoàn Đại biểu Quốc hội và Ban Dân nguyện đã có sự tiếp nối, kế thừa để công tác giải quyết kiến nghị của cử tri được thường xuyên liên tục.
Việc trả lời kiến nghị cử tri được thực hiện một cách công phu, chỉn chu, kiên trì. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tiến Nam cũng chỉ ra đối với những kiến nghị cụ thể, việc trả lời một số bộ, ngành nhiều khi còn chung chung, mang tính viện dẫn luật nọ, điều kia mà không hướng dẫn lộ trình giải quyết cụ thể. Điều này khiến cho cử tri cảm thấy không thỏa đáng.
Khi nhận các văn bản trả lời, một số văn bản trả lời không mang tính hướng dẫn, giải quyết điều mà cử tri đang trông chờ. Một số cơ quan, ban, ngành trả lời không đúng trọng tâm, trọng điểm.
Ngoài ra, một số cơ quan, bộ, ngành vẫn còn chậm, chưa kịp thời xem xét, trả lời kiến nghị của cử tri. Điều này làm cho quá trình rà soát, đôn đốc của các đoàn Đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện mất nhiều thời gian, công sức.
Chính vì thế, để công tác giải quyết kiến nghị cử tri thực hiện hiệu quả, đúng với tính chất, mục đích và giải quyết kiến nghị chứ không chỉ trả lời kiến nghị cử tri, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị đối với những vấn đề mang tính sự vụ cụ thể, các vụ việc xử lý chế độ chính sách cho người có công hay các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về quy trình, thủ tục mà địa phương đang bế tắc, khi trả lời cần có sự hướng dẫn cụ thể, cần có sự rà soát kỹ hồ sơ vụ việc, trả lời chi tiết để từ đó các sở, ngành liên quan áp dụng được, giải quyết được tận gốc.
Hải Liên/dantri.com.vn