Sáng 28/5, trong chương trình công tác tại Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang nhằm đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang. (Ảnh: Trần Hải) |
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng, tăng trưởng đạt khá, năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2022 đạt 7,62%, vượt mục tiêu đề ra (7,5%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.790 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2021; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt 2.565 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán Trung ương giao;4 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 553 tỷ đồng, đạt 22,4% kế hoạch Trung ương giao; tổng dư nợ tín dụng năm 2022 đạt 28.265 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021. Bốn tháng đầu năm 2023, tổng dư nợ tín dụng đạt 27.778 tỷ đồng, giảm 487 tỷ đồng so với 31/12/2022.
Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang. (Ảnh: Trần Hải) |
Tỉnh Hà Giang chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tập trung vào các cây con có thể mạnh, sản phẩm đặc hữu, đặc trưng của tỉnh như: cam sành niên vụ 2022-2023 sản lượng đạt trên 78.000 tấn; cây chè shan tuyết được sản xuất tập trung tại 6 huyện với diện tích chè hiện có hơn 20.000ha; sản lượng đạt hơn 85.000 tấn/năm; lúa đặc sản, chất lượng cao gắn với ruộng bậc thang tại 2 huyện phía tây với tổng diện tích gieo trồng 7.000ha, sản lượng hơn 40.000 tấn; bò vàng Hà Giang với tổng đàn hơn 92.000 con, sản lượng thịt hơi hơn 3.200 tấn; lợn đen hơn 160.000 con, sản lượng thịt hơi hơn 7.400 tấn; ong bạc hà trên 43.000 tổ, sản lượng đạt khoảng 230 nghìn lít/năm.
Hoạt động sản xuất công nghiệp có mức tăng khá; đã thu hút được các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển các lĩnh vực công nghiệp của địa phương có thế mạnh như: công nghiệp thủy điện, công nghiệp chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch… Năm 2022, có 6 dự án thủy điện hoàn thành đi vào hoạt động; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 16,8%, vượt kế hoạch đề ra; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.554 tỷ đồng, đóng góp hơn 40% trong tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh. Bốn tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 2.186 tỷ đồng; đóng góp hơn 22% trong tổng thu ngân sách nhà nước.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung phát triển giao thông đối ngoại như Cao tốc nối Tuyên Quang-Hà Giang đến các cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy; kết cấu hạ tầng được cải thiện đáng kể, đã có 100% số xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã; 100% số thôn, bản có đường đi được xe cơ giới đến trung tâm với 1.732 tuyến có tổng chiều dài là 6.196,6km; tập trung thi công các dự án giao thông trọng điểm, các tuyến đường liên tỉnh, liên vùng như cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang-Xín Mần (ĐT.177); Dự án đường nội thị thị trấn Vị Xuyên; các dự án đường ra biên giới như đường từ xã Pả Vi ra mốc 450, asphal tuyến đường Quốc lộ 4C, hoàn thành nâng cấp đường quốc lộ 279 đoạn qua huyện Quang Bình; khởi công dự án đường tỉnh 176B kết nối huyện Bắc Mê với các huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; nâng cấp, cải tạo đường Yên Bình-Cốc Pài (ĐT.178), Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.183, đoạn Km17-Km50+200 và đường Phố Cáo, Đồng Yên đến giáp địa danh Lục Yên, tỉnh Yên Bái…
* Sáng 28/5, trong chương trình công tác tại Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Dự án nâng cấp, cải tạo Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành Dự án nâng cấp, cải tạo Bảo tàng tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Trần Hải) |
Dự án được thực hiện trên diện tích khoảng 4.100m2 do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 12/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 106,318 tỷ đồng. Dự án nhằm xây dựng, phát triển Bảo tàng Hà Giang trở thành một thiết chế văn hóa có vị thế trong hệ thống bảo tàng cả nước, tiếp cận kịp thời xu hướng, phương thức, trình độ các bảo tàng hiện đại trong cả nước và khu vực trong mọi lĩnh vực hoạt động; là điểm đến hấp dẫn thu hút ngày càng đông đảo công chúng đến nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm và hưởng thụ văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống, giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Hà Giang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại lễ khánh thành Dự án nâng cấp, cải tạo Bảo tàng tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Trần Hải) |
Nội dung trưng bày tại bảo tàng giới thiệu khái quát, cô đọng tiến trình lịch sử Hà Giang từ thời nguyên thủy đến ngày nay; chú trọng những mốc son và sự kiện lịch sử tiêu biểu đánh dấu bước phát triển của lịch sử, nơi tụ cư, sinh sống của 19 dân tộc, gắn lịch sử cách mạng, lịch sử Đảng trong dòng lịch sử chung của Hà Giang, khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Nội dung và hình thức trưng bày bảo đảm tính chính trị và khoa học, tính dân tộc và hiện đại, tính hàn lâm và toàn diện, tính thống nhất trong đa dạng văn hóa của các dân tộc tỉnh Hà Giang. Nội dung trưng bày được thể hiện theo ngôn ngữ riêng, độc đáo, mang đậm nét riêng có của Hà Giang; sử dụng tối đa các hiện vật gốc, kết nối hợp lý nội dung theo tiến trình lịch sử với các chuyên đề và sưu tập; đồng thời tạo các không gian để du khách trải nghiệm, khám phá và sáng tạo; sử dụng công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế trong đầu tư, vận hành, bảo trì; tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động bảo tàng và phục vụ công chúng, chú trọng các điều kiện phục vụ, hỗ trợ người khuyết tật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan Bảo tàng tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Trần Hải) |
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một trong nhiệm vụ quan trọng của chúng ta là phát triển văn hóa ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội; phát huy 80 năm Đề cương Văn hóa của Đảng; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, do đó phát huy bản sắc văn hóa chính là góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Văn hóa phải mang bản sắc dân tộc, phát triển một cách khoa học, đại chúng. Chúng ta đã nêu vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa - đây là điều rất cụ thể và sát tình hình phát triển thế giới hiện nay, tạo ra sức mạnh tinh thần, nội sinh; nếu thương mại hóa thì sẽ tạo ra sức mạnh vật chất. Công nghiệp văn hóa cần có tính chuyên nghiệp, mang tính thương mại hóa, phù hợp bản sắc dân tộc để phát huy giá trị văn hóa.
Văn hóa phải mang bản sắc dân tộc, phát triển một cách khoa học, đại chúng. Chúng ta đã nêu vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa - đây là điều rất cụ thể và sát tình hình phát triển thế giới hiện nay, tạo ra sức mạnh tinh thần, nội sinh; nếu thương mại hóa thì sẽ tạo ra sức mạnh vật chất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Với tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng, Bảo tàng tỉnh Hà Giang cũng góp phần vào bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Điều này phải được làm chuyên nghiệp và phù hợp bản sắc văn hóa dân tộc. Việc xây dựng bảo tàng không chỉ đơn thuần giáo dục truyền thống, ôn lại lịch sử quê hương, đất nước mà phải thương mại hóa, giữ bản sắc riêng biệt so các địa phương khác. Chúng ta hoàn thành công trình này có ý nghĩa lớn cả về kinh tế-xã hội, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, góp phần tạo ra của cải vật chất.
Thủ tướng biểu dương và chúc mừng tỉnh Hà Giang đang đi đúng hướng; mong muốn Bảo tàng tiếp tục phát huy, sưu tập, trưng bày, tạo điều kiện cho khách du lịch, nhân dân được tiếp cận dễ dàng, đóng góp hiệu quả, phát huy giá trị của Bảo tàng, phát triển công nghiệp văn hóa; mong Bảo tàng phát triển bao trùm, toàn diện, bản sắc và hiệu quả.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã cắt băng khánh thành Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
* Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, Hà Giang).
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. (Ảnh: Trần Hải) |
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên trong đoàn đã dâng hương, dâng hoa và dành một phút mặc niệm tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn vô hạn các anh hùng liệt sĩ, những người con yêu dấu của quê hương mọi miền Tổ quốc đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để non sông, đất nước được hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. (Ảnh: Trần Hải) |
Thủ tướng và các đại biểu cũng đã dâng hương tại phần mộ các anh hùng liệt sĩ.
Trong lưu bút của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Sổ truyền thống có viết: “Chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn Dân thực hiện thắng lợi Công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là công trình mang giá trị văn hóa lịch sử, biểu tượng sáng ngời cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước của dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại các phần mộ Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. (Ảnh: Trần Hải) |
Hiện, đây là nơi an nghỉ của 1.864 phần mộ liệt sĩ và 1 mộ tập thể; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về một thời chiến đấu hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng của quân đội ta để bảo vệ vững chắc biên cương phía bắc của Tổ quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. (Ảnh: Trần Hải) |
Hơn 40 năm trước, Hà Giang là chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Hàng chục nghìn chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, với ý chí "một tấc không đi, một ly không rời", quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, vách đá, điểm cao; với tinh thần quả cảm "sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử".
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương ấy, đã có hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, hơn 9.000 người bị thương và hiện vẫn còn gần 2.000 hài cốt của cán bộ, chiến sĩ nằm rải rác trong khe đá, thung sâu chưa tìm thấy và quy tập được. Bên cạnh đó, hàng nghìn ha đồi núi vẫn còn bom mìn sót lại. Máu của những anh hùng liệt sĩ đã hòa cùng đất mẹ, mang lại màu xanh hạnh phúc yên bình cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nhiều năm qua, tỉnh Hà Giang tích cực phối hợp với các đơn vị tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Thanh Giang - Trần Hải/nhandan.vn
https://nhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-va-lam-viec-tai-tinh-ha-giang-post754959.html