Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ tính toán chính sách tiền lương, phụ cấp với nhân viên y tế đảm bảo đúng quan điểm "ngành y là ngành đặc biệt thì đãi ngộ cũng phải có chính sách đặc biệt".
Hàng loạt bất cập liên quan đến tổ chức bộ máy và chính sách tiền lương đối với nhân viên y tế đã được các đại biểu Quốc hội đề cập trong ngày 29/5, khi thảo luận về Báo cáo huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Giải trình rõ hơn về việc này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trước hết khẳng định thành công của công tác phòng chống dịch có vai trò rất quan trọng, thậm chí quyết định, của mô hình y tế dự phòng, y tế cơ sở và đóng góp của nhân viên y tế.
Song cũng từ đại dịch, nữ Bộ trưởng cho biết nhiều khó khăn, bất cập đã được nhận diện đầy đủ về tổ chức bộ máy, nhân sự ngành y cũng như cơ chế, chính sách cho đội ngũ này.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Quốc hội).
Theo Bộ trưởng Trà, còn nhiều khó khăn liên quan đến tổ chức bộ máy y tế dự phòng, y tế cơ sở; trong đó có mặt chưa đồng bộ, chưa thống nhất cả về mô hình tổ chức và quản lý. Bên cạnh đó, nhân lực y tế còn bất cập cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu.
Đề cập giải pháp giải quyết tổng thể những vấn đề trên, bà Trà đề xuất Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ Đề án về nguồn nhân lực y tế khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, chiến lược trong tình hình mới. "Điều này rất quan trọng vì trong số hơn 39.000 viên chức nghỉ việc thời gian qua, có tới 25% nhân sự ngành y tế", Bộ trưởng Nội vụ nêu thực tế.
Bà cũng cho rằng cần đánh giá toàn diện tổ chức bộ máy, nhân lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng xây dựng mới, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để ổn định mô hình, bộ máy; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của tổ chức này.
Bộ trưởng cho biết Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ hoàn thiện cơ chế chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung, y tế dự phòng và cơ sở nói riêng, đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương.
"Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng tính toán chính sách tiền lương, phụ cấp với nhân viên y tế đảm bảo đúng quan điểm ngành y là ngành đặc biệt thì đãi ngộ cũng phải có chính sách đặc biệt", theo lời Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà.
Bên cạnh đó, theo bà, cần nghiên cứu sửa đổi chính sách tuyển dụng, đào tạo cũng như sửa quy định liên quan cơ chế tự chủ, xã hội hóa, cơ chế đặt hàng cho đơn vị sự nghiệp.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết sẽ phối hợp xác định rõ định mức biên chế trên cơ sở vị trí việc làm, theo quy mô dân số, điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng miền; không đặt vấn đề giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với y tế cơ sở.
Trước đó, trong phiên thảo luận cùng ngày, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) chỉ ra nhiều bất cập, vướng mắc, khó khăn trong hoạt động y tế cơ sở.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình).
Ông nhận định tình trạng nhân lực và năng lực y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập.
"Cần quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của Quỹ BHYT theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở", ông Huy góp ý.
Để khắc phục tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển việc, vị đại biểu kiến nghị cần có giải pháp tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng, tương xứng với đặc thù công việc và yêu cầu nhiệm vụ.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cũng phản ánh thực tế hệ thống y tế cơ sở đã xảy ra quá tải mà nguyên nhân chủ yếu do thiếu nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất và thiếu bác sĩ cơ hữu.
Nguyên nhân, theo bà Nhi, do có sự dịch chuyển bác sĩ công sang khu vực tư nhân và các đô thị lớn, do chính sách tinh giản biên chế, đến tuổi về hưu. Trong khi đó, sinh viên mới ra trường rất ít về công tác tại y tế cơ sở bởi chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa tương xứng với thời gian, chi phí học tập, công sức lao động và điều kiện môi trường làm việc.
Nữ đại biểu lo ngại nếu không sớm có chính sách phù hợp thì khoảng 10-15 năm nữa các trạm y tế sẽ không có bác sĩ để làm việc.
Hoài Thu/dantri.com.vn