Dự thảo luật Giao dịch điện tử sửa đổi quy định Bộ TT&TT quản lý cả chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng, song ĐBQH đề nghị chữ ký số chuyên dùng công vụ do Bộ Quốc phòng quản lý.
Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Chữ ký số, chữ ký số chuyên dùng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý.
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương), có 2 chữ ký số riêng biệt là chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng, được Chính phủ giao cho 2 cơ quan quản lý. Bộ Quốc phòng quản lý về chữ ký số chuyên dùng công vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) quản lý chữ ký số chuyên dùng công cộng.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Bình Dương (Ảnh: Phạm Thắng).
Nữ đại biểu cho rằng chữ ký số chuyên dùng công vụ là hoạt động có tính đặc thù, đòi hỏi cấp độ an toàn, bảo mật cao hơn. Còn chữ ký số chuyên dùng công cộng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có thu phí.
Dự thảo luật sửa đổi quy định theo hướng Bộ TT&TT quản lý cả 2 loại chữ ký số này, song theo bà Trân, khi có vấn đề mất an toàn xảy ra, việc xác định trách nhiệm sẽ không rõ ràng. Vị đại biểu đề nghị quy định về Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cũng cho rằng cần xem xét vấn đề này dưới góc độ quốc phòng, an ninh để đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia, có sự tách bạch giữa chữ ký số công vụ phải được mã hóa bởi Ban Cơ yếu của Chính phủ.
Trong khi đó, Đảng, Nhà nước đã cho phép thành lập một cơ quan riêng biệt thuộc Bộ Quốc phòng cũng như của Bộ Công an để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức - TPHCM (Ảnh: Phạm Thắng).
Do đó, ông Đức đề xuất sửa lại dự thảo luật theo hướng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực cơ yếu chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Giơ biển xin tranh luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) ủng hộ quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, thống nhất "một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính".
"Chữ ký số chuyên dùng công vụ là loại chữ ký điện tử được sử dụng công khai trong giao dịch của cơ quan Nhà nước. Việc cấp cho các cơ quan Nhà nước chứng thư, chữ ký số chuyên dụng công vụ cho mục đích ký số thực chất là một hoạt động dịch vụ công, phục vụ giao dịch của các cơ quan quản lý Nhà nước", ông Tuấn phân tích. Theo ông, xét theo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, giao dịch điện tử hoạt động hàng ngày không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.
"Chữ ký chuyên dùng công vụ không phải là lĩnh vực đặc thù thuộc phạm vi bảo vệ bí mật Nhà nước", theo ông Tuấn.
Cũng sử dụng quyền tranh luận cho nội dung này, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) cho rằng bản chất của chữ ký số chuyên dùng công vụ là dùng công nghệ mật mã để xác thực thông tin dữ liệu và được triển khai sử dụng trong hoạt động công vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Kiên Giang (Ảnh: Quốc hội).
Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam coi mật mã như một vũ khí đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và do cơ quan thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, đối ngoại quản lý theo một chế độ nghiêm ngặt và phải được mã hóa. Nếu như xác định như vậy, Bộ trưởng Quốc phòng sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về việc này.
Theo vị đại biểu, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý.
Để tránh sự chồng chéo và bảo đảm có tính ổn định, thống nhất ông Duyệt đề nghị cần quy định về trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Hoài Thu/dantri.com.vn