Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh khi chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, chiều 30/5.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Kinh tế số có vai trò quan trọng trong dẫn dắt phát triển xanh, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế giúp giảm áp lực lên tài nguyên, môi trường - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng cho biết, kể từ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) đến nay, thế giới đã chuyển từ nhận thức sang hành động trong "cuộc chiến" chống biến đổi khí hậu. Với cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, kinh tế thế giới chuyển từ mô hình dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn carbon thấp,… đồng thời phục hồi tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên.
Giải quyết các 'bài toán' liên ngành, liên vùng
"Nền kinh tế xanh không còn là nhận thức, ý tưởng mà đã trở thành hiện thực. Nếu thế giới không thực hiện thì sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn", Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, chiến lược tăng trưởng xanh đã tiếp cận bài bản trong phát triển bền vững với nguyên lý phát triển đồng thời, để giải"bài toán" giữa kinh tế, môi trường, công bằng xã hội. Ban Chỉ đạo cần giải quyết các "bài toán" liên ngành, liên vùng trong tăng trưởng xanh, nhằm đạt được đồng thời các mục tiêu của từng ngành, từng vùng, của quốc gia và toàn cầu.
"Các mục tiêu, cam kết về tăng trưởng xanh đã rõ, nhưng chúng ta cần tìm ra cách làm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam. Không có giải pháp cụ thể thì mục tiêu tăng trưởng xanh chỉ nằm trên giấy", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định lộ trình, giải pháp trọng tâm nhằm giải quyết bài toán có mục tiêu chung, liên vùng, liên ngành để có giải pháp cụ thể, xác định nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc trình bày báo cáo về tình hình triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh - Ảnh: VGP
Thời điểm phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng xanh
Theo đánh giá từ Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, Việt Nam đứng trước những cơ hội rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng xanh nhờ những lợi thế từ khả năng dự trữ carbon lớn từ nguồn tài nguyên rừng, tiềm năng lớn từ phát triển năng lượng tái tạo.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất về nền kinh tế số trong khu vực, với quy mô trị trường kinh tế số khoảng 23 tỷ USD năm 2022 và dự kiến có thể đạt đến 50 tỷ USD năm 2025.
Việc huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh đã được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó phải kể đến là những nỗ lực kêu gọi đầu tư cho các hành động khí hậu, thu hút nguồn tài chính xanh từ Hội nghị COP26, đáng chú ý là thu hút nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) sau cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ về đưa phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh đó, hơn 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm xanh.
Do đó, đây cũng là thời điểm phù hợp để Việt Nam tận dụng những lợi thế để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu lên những khó khăn, thách thức lớn đối với tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
Đó là sự thiếu đồng bộ, chặt chẽ của hành lang pháp lý cho tăng trưởng xanh, nhất là một hệ thống tiêu chuẩn xanh quốc gia hoàn chỉnh, làm cơ sở để xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hoặc triển khai các chương trình, dự án thí điểm xanh.
Nhận thức và năng lực xây dựng, thực thi chính sách về tăng trưởng xanh còn hạn chế.
Việt Nam chưa có công cụ giám sát, đánh giá hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Nguồn lực dành cho tăng trưởng xanh còn hạn chế, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công chưa đóng vai trò "vốn mồi", làm đòn bẩy thúc đẩy huy động đầu tư tư nhân xanh.
Đại diện Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group đã trình bày Báo cáo Chiến lược tăng tốc tăng trưởng xanh cho Việt Nam tại phiên họp - Ảnh: VGP
Cần 144 tỷ USD cho tăng trưởng xanh
Đại diện Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho rằng, với lộ trình giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 mà Việt Nam đã đặt ra trong khi vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, cần ưu tiên 4 lĩnh vực chính: Năng lượng tái tạo, hydro sạch, giao thông và vận tải sạch, giải pháp công nghiệp xanh. BCG ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư bổ sinh vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam giai đoạn 2021-2050 khoảng 144 tỷ USD, trong đó sản xuất điện và ngành công nghiệp chiếm tỷ trong cao nhất.
Tập đoàn BCG kiến nghị lồng ghép mục tiêu và phương hướng tăng trưởng xanh vào các kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương, trong đó thí điểm 2-3 tỉnh trọng điểm; ban hành hệ thống tiêu chuẩn xanh và ưu đãi xanh quốc gia; khởi động một số dự án thí điểm trong các lĩnh vực ưu tiên; thiết lập chiến lược tài chính xanh quốc gia…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, vấn đề tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong xây dựng các luật, văn bản dưới luật về đất đai, tài nguyên nước, địa chất, khoáng sản… Bộ TN&MT cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan trong tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến giảm phát thải trong chuyển đổi năng lượng công bằng, xây dựng bộ tiêu chí về dự án xanh, đầu tư xanh, tài chính xanh và các chính sách ưu đãi kèm theo.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị các bộ ngành tiếp tục rà soát tổng thể, cập nhật nội dung về tăng trưởng xanh khi xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện các khung chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các lĩnh vực tăng trưởng xanh; xây dựng chế tài xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái…
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, tăng trưởng xanh là yêu cầu bắt buộc và trở thành cuộc đua ngày càng gay gắt trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, VCCI đã xây dựng các bộ tiêu chí, chỉ số để đánh giá, tác động về mặt chính sách ở địa phương; đồng thời thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh, bền vững. "Trong thời gian tới VCCI sẽ tiếp tục cập nhật các xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn carbon thấp… nhất là trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp trong giảm phát thải khí nhà kính…", ông Nguyễn Quang Vinh cho biết.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định tăng trưởng xanh là yêu cầu bắt buộc và trở thành cuộc đua ngày càng gay gắt trên toàn cầu - Ảnh: VGP
'Sợi chỉ' liên kết, điều phối, dẫn dắt các chiến lược ngành, địa phương
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu cập nhật số liệu, chỉ tiêu, mục tiêu về tăng trưởng xanh, kể từ COP26 đến nay như thoả thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), các cách tiếp cận trong thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0,…
Ban Chỉ đạo cần tổng kết kinh nghiệm các nước trên thế giới trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, từ đó rút ra những bài học, đề xuất nhằm hiện thực hoá các mục tiêu đặt ra đối với Việt Nam.
"Chúng ta cần xây dựng, cập nhật kế hoạch, lộ trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh như là 'sợi chỉ', nguyên lý xuyên suốt, liên kết, điều phối, dẫn dắt các chiến lược ngành, địa phương. Từ đó thay đổi tư duy, cách làm trong phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu từ nay đến năm 2025, Ban Chỉ đạo cần có công cụ điều phối là kế hoạch hành động với các lĩnh vực, nhiệm vụ ưu tiên cao nhất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần có hệ thống tiêu chí phân loại, đánh giá quốc gia, hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế trong lựa chọn dự án đầu tư, lượng hoá kết quả tăng trưởng xanh - Ảnh: VGP
Hình thành nhận thức, văn hoá, đạo đức đối với tăng trưởng xanh
Về một số lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng xanh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng cần xác định một số dự án thí điểm mang tính liên ngành như pháp luật, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số để giải quyết các "bài toán" về công nghệ, làm cơ sở cho các lĩnh vực mũi nhọn về năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, một số lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn như nông nghiệp, giao thông, năng lượng hoá thạch… trong tương lai
Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng bộ công cụ, tiêu chí, quy chuẩn có tính pháp lý để phân loại, đánh giá hiệu quả, khuyến khích, giám sát các hoạt động tăng trưởng xanh về kinh tế, môi trường, xã hội… hình thành nhận thức, văn hoá, đạo đức xã hội đối với tăng trưởng xanh.
"Cần có hệ thống tiêu chí phân loại, đánh giá quốc gia, hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế trong lựa chọn dự án đầu tư, lượng hoá kết quả tăng trưởng xanh, như: Giảm phát thải, hiệu quả kinh tế, nguồn lực đầu tư của xã hội, tạo việc làm mới, bảo đảm an sinh, hình thành đạo đức, văn hoá của công dân xanh, xã hội xanh, doanh nghiệp xanh", Phó Thủ tướng phân tích thêm.
Về nguồn lực, cơ chế tài chính, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải bảo đảm đủ nguồn vốn đầu tư tăng thêm (từ Nhà nước, các định chế tài chính, khu vực tư nhân) dành cho công nghệ, nhân lực, khắc phục tác động xã hội đến người lao động… khi chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh.
"Quản trị tăng trưởng xanh phải được thực hiện thông qua vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước, đồng thời được cụ thể hoá qua nhận thức, hành động của từng người dân, cộng đồng, có sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp… Trong mỗi doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế cần có những chuyên gia, bộ phận có chức năng, nhiệm vụ chăm lo cho tăng trưởng xanh", Phó Thủ tướng nói và đề nghị "chọn một số dự án thí điểm có thể tạo ra đột phá, hoàn thiện công nghệ, pháp lý, giáo dục, đào tạo, chứng minh hiệu quả kinh tế, trước khi nhân rộng".
Cùng với tăng trưởng xanh, Phó Thủ tướng lưu ý vai trò quan trọng của kinh tế số trong dẫn dắt phát triển xanh, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế giúp giảm áp lực lên tài nguyên, môi trường.
Minh Khôi