Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân sang Luật Căn cước, bởi việc này vẫn còn ý kiến và chữ công dân có ý nghĩa thiêng liêng của nó.
Góp ý về dự án Luật Căn cước trong phiên thảo luận tổ sáng 10/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến về việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân sửa đổi thành Luật Căn cước.
Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là đề xuất mới trong dự án luật, và theo cơ quan soạn thảo, cũng là nguyên nhân Chính phủ đề nghị đổi tên từ Luật Căn cước công dân sửa đổi thành Luật Căn cước.
Hai chữ "công dân" có ý nghĩa thiêng liêng
Theo báo cáo của Chính phủ, trong quá trình lập đề nghị xây dựng luật, Chính phủ thống nhất đưa vào luật quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cho thêm ý kiến việc đổi tên từ "căn cước công dân" sang căn cước" (Ảnh: Phạm Thắng).
Vì vậy, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án luật từ luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành luật Căn cước để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật.
"Đổi tên luật cũng có ý kiến đấy, các đồng chí cho ý kiến thêm", Chủ tịch Quốc hội nói. Ông cho biết có ý kiến đề nghị vẫn giữ Luật Căn cước công dân, có cấp giấy chứng nhận căn cước cho một số nhỏ người gốc Việt thì đưa vào điều khoản thi hành.
"Chẳng hạn, những người đó sẽ được cấp thẻ căn cước và mẫu, quy trình giống như cấp thẻ căn cước công dân. Chỉ như thế thôi, vì ông kia có phải công dân của mình đâu. Còn chữ công dân có ý nghĩa thiêng liêng của nó", ông Huệ nêu quan điểm.
Về băn khoăn liên quan số lượng người gốc Việt thuộc diện cấp giấy chứng nhận căn cước với khoảng 30.000 người, ông Huệ nhận định số lượng này không quá lớn nhưng cũng không phải ít. Song việc cấp thẻ cho các đối tượng này là cần thiết để quản lý.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phương án quy định vào điều khoản thi hành của dự án luật sẽ giải quyết được cả hai, không cần đổi tên luật, cũng không cần đổi thiết kế thẻ từ căn cước công dân thành căn cước.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở Tư pháp TPHCM) cũng cho rằng "không có nhiều ý nghĩa" khi đổi dòng chữ thẻ "căn cước công dân" thành thẻ "căn cước".
Theo nữ đại biểu Hạnh, tại dự thảo luật nêu rõ thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam do cơ quan quản lý căn cước cấp theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TPHCM (Ảnh: Quang Phúc).
Còn Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân của người gốc Việt Nam có giá trị chứng minh thông tin về căn cước của người đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Do đó, theo bà, không cần thiết phải đổi từ "căn cước công dân" thành "căn cước". "Trong tờ trình, Chính phủ cũng chưa đưa ra lý do thuyết phục để sửa đổi thông tin này. Tôi cho rằng nên giữ tên cũ là thẻ căn cước công dân và không nên sửa đổi quá nhiều lần", bà Hạnh góp ý.
Vì sao cần thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi?
Góp ý vào dự luật này, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định, nội dung xuyên suốt của dự thảo Luật Căn cước hướng tới phục vụ và đảm bảo tiện ích của người dân và các cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính.
Luật hướng tới đảm bảo chuyển đổi số quốc gia và cải cách hành chính, giảm giấy tờ. Căn cước công dân cũng như định danh điện tử, căn cước điện tử, nếu sau này các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, theo ông Trung, sẽ giúp giảm được rất nhiều giấy tờ có liên quan.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội (Ảnh: Quốc hội).
Một mục tiêu hướng tới nữa khi xây dựng Luật Căn cước là cải cách thủ tục hành chính và góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
"Khi tất cả thủ tục đã thực hiện trên môi trường mạng, chuyển đổi số, thì mọi thứ đều công khai minh bạch, hạn chế tiếp xúc giữa người làm thủ tục với cán bộ nhân viên hành chính và qua đó sẽ góp phần quan trọng phòng chống tham nhũng, tiêu cực", ông Trung nói.
Về quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết dự thảo Luật mới chỉ khuyến khích chứ chưa bắt buộc.
Theo ông, trẻ em cũng có rất nhiều hoạt động đòi hỏi phải có giấy tờ chứng thực, xác thực, từ đi học, đi khám bệnh, rồi di chuyển bằng một số phương tiện vận tải công cộng…
Hiện nay, với những hoạt động đó, trẻ phải dùng giấy khai sinh, song theo ông Trung, giấy khai sinh chưa đảm bảo tính xác thực cao vì không có nhận diện, không có ảnh, không có sinh trắc lại dễ bị hỏng, rách nát… Vì thế, thẻ căn cước sẽ khắc phục được các hạn chế trên và đáp ứng được tiêu chí dễ dùng, dễ sử dụng, dễ bảo quản.
Về nội dung tích hợp một số thông tin về công dân vào chip của thẻ căn cước như dự thảo Luật, Giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh việc này sẽ góp phần giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và công dân trong các giao dịch hành chính, dân sự, đi lại, cải cách thủ tục hành chính.
Hoài Thu/dantri.com.vn