Ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Chủ nhật, 25.06.2023 | 09:01:30
506 lượt xem

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy việc tìm giải pháp cho những vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề trên biển.

Đó là một trong những ý nghĩa quan trọng được Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong các ngày 25-28/6. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Thủ tướng sẽ dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF. 

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Trung Quốc là nước lớn, nước láng giềng có chung đường biên giới, là nước bạn bè truyền thống xã hội chủ nghĩa và có quan hệ mật thiết với Việt Nam.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho biết đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, diễn ra trong bối cảnh năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

"Chuyến thăm lần này có 3 ý nghĩa rất quan trọng", ông Vũ nhấn mạnh.

Ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính - 1

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Minh Vũ (Ảnh: Hồng Nguyễn).

Ý nghĩa đầu tiên, theo ông, đây là chuyến thăm tiếp nối truyền thống tiếp xúc và giao lưu cấp cao giữa hai nước.

"Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và Trung Quốc đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự coi trọng của hai Đảng, hai nước trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và quyết tâm phát triển mối quan hệ này ngày càng bền vững hơn, ổn định hơn và thực chất hơn", Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Ông cho biết ý nghĩa thứ hai, chuyến thăm là một bước phát triển mới rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và triển khai những kết quả thực chất của chuyến thăm hết sức thành công của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 11/2022, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới suy giảm.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, chuyến thăm này sẽ tập trung tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đặc biệt là giao lưu thương mại hàng hóa giữa biên giới hai nước, giữa các địa phương ngoài nước, cũng như tìm cách tháo gỡ nhằm thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng lớn còn tồn tại giữa hai nước.

Thứ ba, chuyến thăm lần này cũng sẽ góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy việc tìm ra những giải pháp với các vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề trên biển, tăng cường giao lưu giữa người dân, giữa địa phương hai bên.

Ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022 (Ảnh: TTXVN).

Ông Vũ cho rằng việc này sẽ góp phần làm cho mối quan hệ hai nước ngày càng ổn định hơn thực chất hơn và bền vững hơn, góp phần vào hòa bình, ổn định hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

"Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính thành công sẽ tiếp tục góp phần đưa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào phát triển ổn định, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và hòa bình ổn định cho khu vực", theo kỳ vọng của Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ.

Kêu gọi tăng cường hợp tác, mở cửa thị trường hóa cho thương mại và đầu tư

Nhân chuyến thăm lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thiên Tân, do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Hội nghị của các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần này là hội nghị hết sức quan trọng, diễn ra trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu đang có sự suy giảm và các nước đang tìm mọi cách để thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, nhằm phục hồi kinh tế.

Hội nghị có sự tham gia của rất nhiều các nhà lãnh đạo Chính phủ và hơn 1.000 doanh nghiệp từ các nơi trên thế giới.

Ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính - 3

Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2023 (Ảnh: Weforum.org).

"Việc Việt Nam là một trong 4 lãnh đạo Chính phủ chủ chốt được mời tham dự Hội nghị này cho thấy sự coi trọng của WEF cũng như là cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế vai trò của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quyết tâm cải cách và mở cửa nền kinh tế của Việt Nam", Thứ trưởng Vũ khẳng định.

Ông cho rằng sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam lần này sẽ góp phần rất quan trọng cho thành công chung của hội nghị, trong đó có ba khía cạnh.

Thứ nhất, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, chuyển đổi và có độ mở lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp khu vực và toàn cầu cũng như các Chính phủ cần phải tăng cường hợp tác, mở cửa thị trường hóa cho thương mại và đầu tư, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và khơi thông nguồn lực để phục hồi kinh tế.

Thứ hai, thông qua hội nghị lần này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi các nền kinh tế thành viên khác cũng như các doanh nghiệp lớn trong việc tạo dựng khơi thông, kích hoạt và tranh thủ các động lực tăng trưởng mới.

Những động lực này là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn để góp phần hiện thực hóa các mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững.

Thứ ba, theo ông Vũ, với sự tham dự đông đảo của Chính phủ, các doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế tại hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu tiếp tục quan tâm và tăng cường đầu tư hơn nữa vào thị trường Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam.

Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thủ tướng sẽ nêu bật những vị thế, tiềm năng, lợi thế của nền kinh tế Việt Nam cũng như những định hướng ưu tiên trong phát triển kinh tế, để thu hút nguồn lực đầu tư chất lượng cao và các doanh nghiệp hàng đầu tham gia hợp tác.

Các lĩnh vực được ưu tiên là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, trình độ, năng lượng, phát triển khoa học công nghệ, phát triển nền kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế số...


Hoài Thu/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/y-nghia-chuyen-tham-trung-quoc-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-20230624224418846.htm

  • Từ khóa