Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự về tình hình lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp vừa làm việc với Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự về tình hình lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án từ năm 2019 đến nay và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thu hồi được trên 75.000 tỷ đồng từ án tham nhũng, kinh tế
Báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, 8 tháng qua (từ 1/10/2022 đến 31/5/2023) toàn hệ thống đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu để tổ chức thi hành xong hơn 300.000 việc, đạt tỉ lệ trên 61% (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022); về tiền đã thi hành xong trên 62.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 29,4% (tăng trên 3% so với cùng kỳ).
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái (Ảnh: An Như).
Trong tổng số 133 vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, toàn ngành đã thi hành xong 45 vụ việc; 7 vụ việc đã xử lý xong hết tài sản, đã xác minh và phân loại chưa có điều kiện thi hành án. Đến nay thu hồi được trên 75.000 tỷ đồng.
Riêng 7 tháng đầu năm 2023 (tính từ 1/10/2022 đến 30/4/2023) toàn ngành thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 18.000 tỷ đồng.
Công tác chỉ đạo, giải quyết các vụ việc tín dụng, ngân hàng, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, các vụ việc kinh tế, tham nhũng cùng các mặt công tác khác có nhiều chuyển biến.
Dù vậy, cơ quan này thừa nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Một số địa phương có kết quả thi hành án đạt thấp; kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng, kết quả thu hồi tài sản đến nay còn chưa đạt như mong muốn; công tác tổ chức cán bộ trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn,…
Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, khẳng định đã thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động kiểm tra, chú trọng công tác tự kiểm tra; tổ chức nhiều đoàn kiểm tra toàn diện, chuyên đề tại một số địa bàn như Đắk Lắk, Bến Tre...
Tổng cục đang yêu cầu các địa phương tiến hành tổng rà soát, kiểm tra các loại án để phân loại chính xác; tập trung tổ chức thi hành án có điều kiện, trong đó ưu tiên cao độ án trên 1 năm chưa thi hành xong và làm rõ nguyên nhân án có điều kiện chưa thi hành…
Đồng thời, các Cục Thi hành án dân sự cũng đang rất quyết tâm chỉ đạo các Chi cục Thi hành án dân sự cố gắng làm tốt công tác rà soát, phân loại, thi hành án, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An...
Không né tránh, nhân nhượng với bất kỳ hành vi tham nhũng, tiêu cực nào
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác thi hành án dân sự.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: An Như).
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát tất cả các văn bản chỉ đạo liên quan tới công tác thi hành án để tiến hành sơ kết, tổng kết, tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế về lĩnh vực này.
Bộ trưởng Long chỉ đạo củng cố hệ thống tổ chức cán bộ, kịp thời sắp xếp, kiện toàn đầy đủ đội ngũ lãnh đạo quản lý, Chấp hành viên từ Cục đến các Chi cục Thi hành án dân sự.
Đặc biệt, Bộ trưởng Tư pháp đề nghị toàn hệ thống thi hành án tập trung, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó đề cao tinh thần không né tránh, không nhân nhượng với bất kỳ hành vi tham nhũng, tiêu cực nào.
Tổng cục Thi hành án dân sự cũng cần chú trọng việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiên quyết xử lý một số trường hợp để làm gương; tiếp tục xác định các địa bàn, vụ việc trọng điểm để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm…
Theo dantri.com.vn