Nhấn mạnh việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực và bản lĩnh cán bộ trong việc dám nói, dám làm và nói đúng, làm đúng, Chủ tịch MTTQ Việt Nam cho rằng thấy sai mà không dám nói cũng là biểu hiện tiêu cực.
Quan điểm này được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đưa ra khi phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và MTTQ Việt Nam về hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Nêu kiến nghị về công tác giám sát, phản biện xã hội, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị để cán bộ "dám nói, dám làm" và "nói đúng, làm đúng".
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Kỳ Anh).
Theo ông Chiến, thấy sai mà không dám nói cũng là tự diễn biến, tự chuyển hóa, là biểu hiện tiêu cực.
"Nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội", ông Chiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Chiến cho rằng việc hoàn thiện thể chế pháp luật là cơ sở quan trọng để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội.
Đi cùng với đó, phải đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ.
Trong báo cáo sơ kết trình bày trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát.
Chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế, chưa có nhiều kiến nghị sau giám sát hoặc ít giám sát kết quả khắc phục sau kiến nghị, giám sát. Việc theo dõi, đôn đốc, tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội ở nhiều nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao.
Đáng lưu ý, bà Ánh cho rằng, trong thực hiện hoạt động giám sát, phản biện, ở một số địa phương, lãnh đạo MTTQ Việt Nam chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát, phản biện xã hội", bà Ánh nêu.
Về giải pháp, bà Ánh cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị và đề xuất của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện xã hội. Cùng đó, gắn việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện của Mặt trận với việc đánh giá cán bộ, công chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành (Ảnh: Ngọc Thắng).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành đưa ra đề xuất hoạt động giám sát của MTTQ cần tập trung giám sát vướng mắc thể chế trong xây dựng văn bản pháp luật cũng như đẩy mạnh kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến góp ý, nếu hoạt động giám sát, phản biện xã hội được đưa thành luật, việc giám sát sẽ hiệu quả hơn.
Do đó, bà Yến đề nghị xem xét nâng hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành luật.
Trong đó cần quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cần quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của các cơ quan được giám sát.
Đây cũng là kiến nghị của giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông Đường đề nghị MTTQ cần sớm có sáng kiến lập pháp trình Quốc hội xây dựng luật về giám sát và phản biện xã hội.
Theo dantri.com.vn