Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng

Thứ 5, 20.07.2023 | 14:27:02
717 lượt xem

Sáng 20/7, tại Hà Nội, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.(Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Quyết định 826/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo Quyết định 826/QĐ-TTg, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng Sông Hồng nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng ảnh 1

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cũng theo Quyết định 826/QĐ-TTg, Chủ tịch Hội đồng là Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch thường trực là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng.

Hội đồng có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng, bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện các Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng, bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư (PPP), nhất là trong phát triển hạ tầng chiến lược, quan trọng của vùng.

Điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng ảnh 2

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, vùng đồng bằng sông Hồng là 1 trong 2 vùng động lực phát triển hàng đầu và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Mặc dù đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhưng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững; một số địa phương phụ thuộc quá nhiều vào một vài dự án đầu tư nước ngoài FDI quy mô lớn; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành; hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nhất là nước thải, chất thải nguy hại, vấn đề ách tắc giao thông; tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến cuối Trung ương tại Hà Nội chưa được khắc phục; liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, đặc biệt là các vấn đề về lao động, thị trường tiêu thụ, hệ thống kết nối giao thông, …

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng ảnh 3

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chính vì vậy, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ: cần “xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng”, nhằm đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong vùng để phát huy hiệu quả cao nhất những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng.

Quyết định 826/QĐ-TTg đã đề ra 11 nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng, trong đó nhấn mạnh việc điều phối phải bảo đảm nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật.

Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận, trao đổi ý kiến để thống nhất vì lợi ích chung của vùng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng.

Những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương, thì căn cứ đề nghị của Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng ảnh 4

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Như vậy, Hội đồng điều phối vùng được xác định không phải là một cấp hành chính, nhưng là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng, góp phần giải quyết các vấn đề bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được, đồng thời có thể giải quyết những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận, bàn bạc và xây dựng Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, với trọng tâm là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ tuần hoàn trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vùng đồng bằng sông Hồng được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết; trong đó, Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Hội nghị đã nghe tham luận của các bộ, ngành, địa phương, tập trung vào các giải pháp chính: phân bổ không gian đô thị và giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển xanh và bền vững; phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, từng bước tham gia sâu chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng; phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi-hoi-dong-dieu-phoi-vung-dong-bang-song-hong-post763114.html

  • Từ khóa