Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, Bộ Chính trị yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực chỉ đạo, theo dõi.
Ngày 21/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để cho ý kiến về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023.
Đảm bảo thị trường chứng khoán, bất động sản hoạt động an toàn
Nhấn mạnh một số nội dung khi đề cập nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm, Bộ Chính trị yêu cầu cần khẩn trương, quyết liệt tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tiếp tục rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Bộ Chính trị quán triệt nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư sáng 21/7 (Ảnh: TTXVN).
Trong điều hành, Bộ Chính trị lưu ý thực hiện chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất.
Ngoài ra, Bộ Chính trị cho rằng chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận vốn, tạo động lực tăng trưởng.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công; có giải pháp hiệu quả bảo đảm các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tín dụng ngân hàng, chứng khoán, khoa học công nghệ hoạt động an toàn, lành mạnh, bền vững.
Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu, nguồn điện cho sản xuất, tiêu dùng phải được đảm bảo, theo yêu cầu của Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị cũng lưu ý tập trung xử lý nhanh, hiệu quả các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng, thuốc, vật tư y tế, quy định về kinh doanh xăng dầu, phòng cháy chữa cháy; triển khai quy hoạch điện VIII.
Phiên xét xử các bị cáo liên quan đại án "chuyến bay giải cứu" (Ảnh: Nguyễn Hải).
Trong định hướng phát triển, Bộ Chính trị lưu ý tập trung vào các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; hoàn thiện chiến lược, chính sách phát triển năng lượng mới, chuyển đổi xanh…
Song song với việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, Bộ Chính trị yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, theo dõi.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 3,72%
Trước đó, Bộ Chính trị tán thành đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm theo báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ.
Theo đó, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đã được triển khai quyết liệt, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 3,72%.
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các công trình, dự án chiến lược, quan trọng quốc gia cũng được đẩy nhanh tiến độ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân được chú trọng.
Cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư sáng 21/7 (Ảnh: TTXVN).
Bộ Chính trị tán thành nhận định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị cho rằng tình hình kinh tế - xã hội đối diện nhiều thách thức do kinh tế thế gặp rủi ro, thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp.
Cùng với những hạn chế trong nước, các yếu tố tác động từ thế giới khiến tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thấp; hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực sụt giảm.
Bộ Chính trị nhận định thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền.
Trong khi đó, tình trạng thiếu điện, thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn chưa được khắc phục triệt để; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp…
Hoài Thu/dantri.com.vn