Đại hội XIII của Đảng đề ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đồng thời, Đại hội định hướng phát triển Vùng theo hướng: “Khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế-chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính
Một góc thành phố Cần Thơ-Trung tâm phát triển kinh tế trọng điểm Vùng đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh MỸ HÀ) |
Động lực đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững
Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng trọng điểm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du và miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Đồng bằng sông Hồng. Các nghị quyết xác định rất rõ mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc.
Điểm chung của 6 nghị quyết về phát triển các vùng đã nêu yêu cầu phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng biến đổi khí hậu... Các nghị quyết đề ra đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh tình hình mới.
Để tổ chức thực hiện tốt, có kết quả các nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng nêu rõ yêu cầu quán triệt sâu sắc tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành quan điểm chỉ đạo, chiến lược dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Xây dựng quy hoạch phát triển từng địa phương trong vùng.
Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đẩy mạnh liên kết phát triển vùng... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đồng thời, phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước-cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các ban, bộ, ngành Trung ương; của các địa phương trong vùng để xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết theo đúng tinh thần “đúng vai, thuộc bài”.
Ngay sau các hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ đã khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong các vùng, trên cơ sở bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của các nghị quyết, đồng thời sát hợp với tình hình thực tế của các vùng và tiểu vùng.
Ngày 20/4/2023, Chính phủ tổ chức hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị đã công bố Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Vùng trung du và miền núi phía bắc phát triển theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; tập trung bảo vệ, khôi phục rừng; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang-Thái Nguyên-Phú Thọ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng.
Vùng đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại; xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ; tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hệ thống cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp; phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa-lịch sử; xây dựng khu vực ven biển Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước.
Vùng Tây Nguyên bảo vệ rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước; nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo; phát triển bền vững công nghiệp khai thác bô-xít, chế biến alumin, sản xuất nhôm; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của cả nước, khu vực và thế giới; phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu...
Đồng thời, phát triển 4 vùng động lực quốc gia: Vùng động lực phía bắc; vùng động lực phía nam; vùng động lực miền trung và vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Bên cạnh đó, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế bắc-nam và 2 hành lang kinh tế đông-tây là Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Vũng Tàu.
Từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn: Hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc bắc-nam phía tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và 6 hành lang kinh tế đông-tây, bao gồm: Điện Biên-Sơn La-Hòa Bình-Hà Nội; Cầu Treo-Vũng Áng; Lao Bảo-Đông Hà-Đà Nẵng; Bờ Y-Pleiku-Quy Nhơn; Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Hà Tiên-Rạch Giá-Cà Mau…
Hành trình và nguồn sinh lực mới
Để tổ chức thực hiện tốt, có kết quả thiết thực nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng trọng điểm, ghi dấu ấn các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, từng vùng đã từng bước cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Quốc hội, Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao. Có thể thấy đây là hành trình tranh thủ thời cơ, thuận lợi; vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đề ra, tạo chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của các vùng.
Quá trình này, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Nguyễn Hữu Nghĩa trao đổi, tỉnh ban hành các kế hoạch, đề án cụ thể nhằm khai thác, huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng đồng bằng sông Hồng. Thành phố Cần Thơ đang dồn sức phát triển thành trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thực tế khẳng định, với sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, đúng đắn của Đảng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các ngành nhìn tổng thể đã bảo đảm các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh: Năm 2022 tăng trưởng GDP của cả nước đạt hơn 8%, tăng cao so với kế hoạch đề ra là từ 6-6,5%. Các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ được triển khai kịp thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại tiếp tục được thúc đẩy, đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, tạo chuyển biến tích cực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Đây chính là động lực to lớn để đất nước tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra với niềm tin, khí thế mới, quyết tâm mới, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với việc thực hiện các nghị quyết phát triển vùng đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới.
Theo đó, trước hết là yêu cầu tiếp tục quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nội dung của nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng các doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng nhằm triển khai hiệu quả, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Quá trình này đòi hỏi tập trung hoàn thiện thể chế chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Tiến hành hiệu quả việc xây dựng quy hoạch phát triển từng địa phương trong vùng. Liên kết vùng phải trở thành quan điểm chỉ đạo, chiến lược dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng và từng địa phương trong vùng, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ.
Đồng thời, thực tiễn đòi hỏi đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng; cơ chế, chính sách đặc thù; phân bổ nguồn lực; nguồn nhân lực và tiềm năng, lợi thế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, các tiểu vùng và từng tỉnh trong vùng, tiểu vùng; giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng; giải quyết hiệu quả các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng.
Về chủ đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Văn Vĩnh cùng lãnh đạo một số tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long có cùng chia sẻ: Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh; cụ thể hóa các nội dung chủ đạo của Quy hoạch quốc gia, các ngành, lĩnh vực, địa phương trước đây và đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng.
Mới đây, ngày 18/7, tại lễ ra mắt và hội nghị đầu tiên Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã đặt ra “bài toán” về nguồn lực đầu tư hạ tầng toàn vùng để tìm lời giải. Theo đó, nhiều ý tưởng, giải pháp đã được đề xuất như thay đổi cách làm, lập quỹ phát triển hạ tầng vùng, áp dụng một số nội dung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 98/2023/QH15) cho cả vùng... với mục tiêu chung thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển Vùng.
Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu tiếp tục coi trọng quán triệt, triển khai các mục tiêu, yêu cầu của nghị quyết từng vùng, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương nhằm sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Với thành tựu và bài học của sự nghiệp đổi mới đất nước gần 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể khẳng định việc quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết; phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội, trong quá trình thực hiện sẽ ghi dấu mốc mới, vận hội và thành tựu mới trong phát triển của đất nước trong bối cảnh và tình hình mới.
Lê Mậu Lâm/nhandan.vn
https://nhandan.vn/khai-thac-phat-huy-loi-the-vung-tao-khong-gian-phat-trien-moi-post763317.html