Các dự thảo nghị quyết về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế được Chính phủ thống nhất sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp dự kiến diễn ra tháng 10 tới.
Ngày 26/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 để thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó, Chính phủ bàn đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế.
Theo báo cáo tại phiên họp, tháng 10/2021, OECD đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế.
Đến nay, 142/142 nước thành viên của Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã đồng thuận. Tại ASEAN, một số nước đã có kế hoạch áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).
Các đại biểu dự phiên họp cho rằng việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp thu tối đa ý kiến của Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 nghị quyết trên. Sau khi Bộ Tư pháp thẩm định, các bộ chủ trì tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ thông qua, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự thảo 2 nghị quyết trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 .
Hai chính sách này dự kiến được trình Quốc hội thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp (tháng 10 năm nay).
Về đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cần phát huy vai trò của công cụ thuế để điều tiết các hoạt động kinh tế, chống thất thu thuế.
Về đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục nghiên cứu giải pháp về thuế giá trị gia tăng để điều chỉnh các hoạt động kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế (kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số...).
Đối với một số giải pháp sửa đổi, bổ sung đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu, bổ sung cơ sở thuyết phục nhằm đưa ra chính sách giải quyết được các vướng mắc hiện nay và quản lý thu thuế chặt chẽ, tránh tạo ra kẽ hở để người nộp thuế lợi dụng gian lận, trốn thuế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật (Ảnh: Đoàn Bắc).
Liên quan đến Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về một số nội dung quan trọng như quy định về rút BHXH một lần; điều kiện hưởng lương hưu; chi phí quản lý BHXH; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc…
Lưu ý đây là một luật khó, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến quyền và lợi ích của người lao động, được cử tri và xã hội quan tâm, người đứng đầu Chính phủ đề nghị cơ quan quản lý cần xử lý một cách cân bằng để giải quyết những vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài.
Ông yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý BHXH. Đặc biệt, theo Thủ tướng, cần tích cực truyền thông chính sách để tạo sự nhận thức và đồng thuận trong xã hội.
Theo dantri.com.vn