Tháng 8 này, tỉnh An Giang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Ðức Thắng (20/8/1888-20/8/2023). Tại xã Mỹ Hòa Hưng, nơi Bác Tôn được sinh ra, Ðảng bộ và nhân dân nơi đây đang có nhiều niềm vui với những kết quả đạt được.
Du khách nghe giới thiệu về cuộc đời cách mạng của Bác Tôn tại Khu lưu niệm.
Xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên nằm giữa sông Hậu bốn mùa thoáng mát, phù sa vun bồi nên ruộng vườn tươi tốt, cây trái trĩu cành, người dân hiền hòa. Ðể tưởng nhớ Bác Tôn, người dân và Ðảng bộ xã đồng lòng xây dựng quê hương ngày thêm văn minh, giàu đẹp.
Đổi thay trên quê hương Bác Tôn
Ủy ban nhân dân tỉnh thông tin, kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Bác Tôn, tỉnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật gồm: tổ chức tọa đàm khoa học về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Ðức Thắng; thực hiện mẫu tranh cổ động, tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Ðức Thắng; thực hiện bộ ảnh triển lãm “Bác Hồ với Bác Tôn” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, thành phố Long Xuyên…
Các hoạt động nổi bật như: Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh với quy mô hơn 100 gian hàng; Liên hoan Nghệ thuật Ðờn ca tài tử; trưng bày, triển lãm bảo vật, cổ vật và lễ công bố bảo vật quốc gia; trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống; giới thiệu tour, tuyến du lịch An Giang…
Thông qua các hoạt động, tuyên truyền giáo dục sâu rộng giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng đạo đức, phong cách và những cống hiến to lớn của Bác Tôn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, với Ðảng bộ và nhân dân tỉnh nói riêng; góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tạo khí thế cách mạng, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước.
Từ thành phố Long Xuyên qua phà Ô Môi hơn 20 phút là đến Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng được Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Khu lưu niệm với diện tích hơn 5 ha vừa nghiêm trang, vừa giản dị gồm nhiều công trình như: đền thờ Bác Tôn, nhà trưng bày liên quan đến hoạt động cách mạng và sinh hoạt đời sống của Bác Tôn, chuyên cơ Zace 40 chuyên chở Bác Tôn; chiếc ca-nô năm 1975 chở Bác Tôn từ Long Xuyên về Mỹ Hòa Hưng; nhiều tư liệu, hiện vật minh chứng sinh động, giới thiệu toàn bộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn.
Mỗi năm, Khu lưu niệm và ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Ðức Thắng thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ðến đây, du khách được ngắm nhìn những hàng cây cao vút, gió từ sông Hậu thổi lên mát mẻ, khung cảnh tĩnh lặng thanh bình.
Xem các vật trưng bày, các hình ảnh trong Khu lưu niệm, du khách hiểu rõ hơn cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Bác Tôn; về lòng trung thành, tận tụy, tinh thần bất khuất, dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng, cho dân tộc, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bác Tôn vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng-Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta.
Xã Mỹ Hòa Hưng đã nhiều thay đổi, đường bê-tông hóa xe ô-tô qua lại, nhà cửa ven đường đông đúc, chợ luôn đông người. Du khách thong thả đạp xe, đi xe gắn máy men theo các con đường liên xã rợp bóng cây ngắm những vườn cây sai trái, cánh đồng lúa trĩu bông, những bè cá bồng bềnh trên sông Hậu, những căn nhà sàn truyền thống nằm thấp thoáng trong vườn cây và người dân thân thiện, mến khách.
Với lợi thế về tự nhiên, lịch sử văn hóa lâu đời, trong tương lai cù lao sẽ phát triển mạnh du lịch sinh thái. Ðiển hình như gần đây, nhiều nông dân đã trồng táo hồng xen lẫn với các loại cây ăn trái phục vụ du lịch sinh thái miệt vườn cho thu nhập cao, ổn định. Ông Nguyễn Văn Tri, sinh sống hơn 70 năm trên quê hương Bác Tôn chia sẻ: “Nhà nước quan tâm, đầu tư trường trạm, đường sá, điện sinh hoạt nên đời sống xã hội kinh tế nơi đây phát triển hẳn. Cuộc sống người dân theo đó cũng khá lên từ nuôi trồng thủy sản, làm vườn, làm ruộng”.
Những điểm sáng cần nhân rộng
Cùng sự thay da đổi thịt trên vùng đất cù lao, chúng tôi còn ghi nhận được cả những câu chuyện thấm đượm tình người trên quê hương Bác Tôn.
Ðó là chuyện rất nhiều người dân đã tự nguyện liên kết với chính quyền địa phương thành lập các đội vá đường, xây cầu nông thôn, xây nhà giúp người nghèo, hái thuốc nam làm từ thiện, lái xe từ thiện… Một trong các điểm sáng là Tổ cứu trợ khẩn cấp, hoạt động đã 10 năm qua giúp nhiều người bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo.
Ông Huỳnh Văn Bảy, 78 tuổi, Tổ trưởng cứu trợ khẩn cấp, chia sẻ, khởi đầu của Tổ là từ việc nhiều người có điều kiện khá giả muốn giúp đỡ những cảnh đời còn khó khăn. Mỗi người trong tổ hằng tháng góp tiền, ban đầu chỉ vài chục người tham gia nhưng sau đó lên tới 150 người. Hằng tháng các thành viên góp 100.000 đồng vào quỹ, khi nào người có gia cảnh khó khăn bị ốm nặng, tai nạn thì sẽ tặng từ 2 triệu đến 3 triệu đồng để họ chữa trị bệnh. Bình quân, tháng nào cũng hỗ trợ hơn sáu người.
Như gần đây ông Tám Liêu khi làm thuê không may bị tai nạn lao động. Nhà ông Liêu nghèo cho nên Tổ đã hỗ trợ ông 3 triệu đồng để người thân đưa đi bệnh viện điều trị. Hay trường hợp bà Lê Thị Lệ bị tai biến được Tổ hỗ trợ 2 triệu đồng; bà Trần Thị Rớt bị ung bướu nặng phải mổ, được hỗ trợ 3 triệu đồng.
Chúng tôi đến Tổ từ thiện ấp Mỹ An 2 do ông Nguyễn Phước Hoàng làm Tổ trưởng. Nhà của ông Hoàng là nhà gỗ, xây theo truyền thống nhà sàn xưa như bao ngôi nhà sàn khác trên đất cù lao. Bên góc hè có “Bồ lúa tình thương” nổi tiếng hơn 23 năm qua giúp người nghèo. Ông Hoàng tâm sự, bồ lúa đó là tấm lòng chung của nhiều người nông dân trong xã lập ra. Dòng họ ông Hoàng phần lớn làm nông, vài chục năm trước, cha ruột là cụ Nguyễn Văn Thương học tập theo Bác Hồ đã trích ra vài chục ki-lô-gam lúa để giúp dân nghèo.
Nhưng khi đó, cụ Thương thấy còn nhiều hộ khó khăn mà sức có hạn nên cụ vận động các nông dân lập ra “Bồ lúa tình thương”. Việc làm tốt đẹp này được nhiều người ủng hộ, mỗi tháng họ trích vài ki-lô-gam lúa bỏ vào, nên “Bồ lúa tình thương” lớn dần. Sau đó, cụ Thương và nhiều người trong tổ mất, ông Hoàng tiếp nối chí nguyện của cha chú, cô bác tiếp tục duy trì bồ lúa.
Hiện nay, tùy theo điều kiện, mỗi tháng nông dân người góp gạo, người góp tiền mua gạo rồi cuối tháng đem gạo đến từng nhà tặng. Mỗi lần tặng 10 kg, có 50 người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ hằng tháng. Một trong số đó là chị Nguyễn Thị Thu Thúy (ngụ ấp Mỹ An 2). Chị bị bạo bệnh, tai biến liệt tay trái và chân, không thể đi làm được, cuộc sống rất bấp bênh. Khi hay tin, đại diện Tổ đã đến đưa chị vào danh sách tặng gạo định kỳ hằng tháng. Nhờ đó, chị Thúy không còn lo đói nữa. Trò chuyện, ông Hoàng cho hay, Tổ từ thiện có hàng chục thành viên cùng chung chí hướng giúp người nên làm rất nhiều việc như xây nhà, tặng gạo, đóng bàn ghế, giường…
Trong tổ có nhiều người quá tuổi 50 nhưng ai cũng dặn lòng còn sức là còn làm để học tập theo Bác Hồ, Bác Tôn giúp người khó khăn. Niềm vui của họ là thấy người nghèo được ngủ ngon trong căn nhà mới, không lo mưa nắng. Như bà Nguyễn Thị Mỹ Dung bị tai biến không thể tự đi lại được, căn nhà xuống cấp, gặp mưa lớn là dột. Khi hay tin, tổ đã đến xây lại căn nhà mới giúp bà. Còn hộ bà Nguyễn Thị Hằng ngày thường sống bằng nghề bán vé số nên việc xây nhà mới thay cho nhà cũ xuống cấp là chuyện không tưởng. Tổ từ thiện đã đến giúp bà xây lại căn nhà, hiện thực hóa ước mơ của gia đình.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tinh-nguoi-tren-que-huong-bac-ton-post767138.html