Chủ tịch Quốc hội chủ trì họp về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Thứ 7, 19.08.2023 | 15:10:29
467 lượt xem

Sáng 19/8, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao (Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp của lãnh đạo Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội chủ trì họp về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về các nội dung lớn của dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi)

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Đại diện Toà án nhân dân tối cao tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Nguyễn Hoà Bình; các Phó Chánh án, thành viên Ban Cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao...

Tham dự còn có Thường trực Ủy ban Tư pháp và lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan.

Theo chương trình, dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Dự kiến, tại Phiên họp tháng 9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật này. Với tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao tổ chức cuộc làm việc cho ý kiến về các vấn đề lớn của dự án Luật.

Chủ tịch Quốc hội chủ trì họp về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) - Ảnh 2.

Phiên họp của Lãnh đạo Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi)

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, Nghị quyết số 27 đã xác định nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Trọng tâm là “đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nghị quyết cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng liên quan đến tổ chức của Tòa án nhân dân.

Nhấn mạnh cải cách tư pháp là một trong những trụ cột của hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nội dung trọng yếu của cải cách tư pháp tập trung vào các nhiệm vụ đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án các cấp. Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Tòa án nhân dân tối cao đã báo cáo và được Quốc hội đồng ý bổ sung chương trình xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã được triển khai thi hành hơn 8 năm. Kết quả thi hành cho thấy, đạo luật này đã phát huy hiệu quả trong việc hoàn thiện tổ chức, tăng cường nguồn nhân lực và nâng cao hoạt động của hệ thống Tòa án. Bên cạnh những thành tựu tích cực đó, kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng cho thấy một số quy định đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

“Vì vậy, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân là cần thiết, phúc đáp yêu cầu thực tiễn đang đặt ra và thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp trong tình hình mới và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Lãnh đạo Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về các nội dung lớn của dự án Luật. Lãnh đạo Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi về tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân là những vấn đề rất hệ trọng liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, mối quan hệ với các cơ quan tư pháp, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nên cần cân nhắc hết sức thận trọng trong mỗi quy định.

Lãnh đạo Quốc hội cũng nhất trí nội dung đề xuất sửa đổi về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân phải là những vấn đề thực tiễn đòi hỏi cấp bách, đã chín muồi, có sự thống nhất, đồng thuận cao thì mới đưa vào quy định trong dự thảo Luật.

Những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, chưa đưa vào dự thảo Luật này. Việc đề xuất sửa đổi các quy định của Luật phải phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng và trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của hệ thống chính trị và thực tiễn của nước ta trong giai đoạn mới.


Theo baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/chu-tich-quoc-hoi-chu-tri-hop-ve-du-thao-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-sua-doi-102230819124758335.htm

  • Từ khóa