Trong chương trình thăm và làm việc tại Lạng Sơn ngày 25/8/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, Tổng Bí thư đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Báo Lạng Sơn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt tỉnh Lạng Sơn
Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Quốc Đoàn và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn,
Thưa các vị đại biểu,
Thưa toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, trong không khí cả nước hân hoan, phấn khởi, mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công 19/8 và Quốc khánh 2/9, tôi rất vui mừng và hân hạnh được cùng các đồng chí trong Đoàn công tác của Trung ương về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn – một tỉnh biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng; một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, yêu nước và cách mạng với những địa danh ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc (như Ải Chi Lăng, khu căn cứ cách mạng Bắc Sơn…); và đặc biệt là đúng vào dịp Lạng Sơn vừa long trọng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh. Trước hết, tôi xin được thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và với tình cảm cá nhân, gửi tới các đồng chí và qua các đồng chí tới các bác, các anh, các chị nguyên lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn qua các thời kỳ, các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang; cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn yêu quý lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn vui mừng chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác của Trung ương thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn
Thưa các đồng chí,
Như chúng ta đều biết, Lạng Sơn là một vùng đất cửa ngõ “phên giậu”, địa đầu của Tổ quốc, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời; luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do của nước nhà, lập nên nhiều chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử những trang vàng chói lọi. Từ chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập năm 1933, trải qua các thời kỳ lịch sử, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940, chiến dịch đường số 4, chiến thắng Biên giới Thu – Đông năm 1950. Những địa danh Bông Lau, Lũng Phầy, Đèo Khách, Ba Sơn, Bản Nằm, Chi Lăng, Nà Thuộc,… là những nơi ghi đậm dấu ấn những chiến công lừng lẫy của quân và dân ta. Lạng Sơn cũng là vùng đất đã sản sinh ra nhiều bậc hiền tài, tuấn kiệt, nhân sĩ lớn của đất nước, như: Hoàng Đại Huề, Nguyễn Thế Lộc, Thân Cảnh Phúc, Vi Văn Định,…; những chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất như Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, là những người con ưu tú của quê hương Xứ Lạng, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Dân tộc.
Trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay, Lạng Sơn tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, ghi thêm nhiều chiến công to lớn, xây dựng quê hương ngày càng khang trang, tươi đẹp, khởi sắc. Thế hệ nối tiếp thế hệ, chiến công nối tiếp chiến công, đã tô đẹp thêm những trang sử vàng về truyền thống hào hùng của mảnh đất và con người Xứ Lạng nhân hậu, kiên trung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thành viên đoàn công tác của Trung ương tham quan phòng trưng bày “Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 90 năm xây dựng và phát triển”
Thưa các đồng chí,
Tôi còn nhớ, cách đây gần 10 năm, ngày 22/4/2015, tôi đã có dịp lên thăm và làm việc với tỉnh Lạng Sơn. Hôm nay, về lại nơi đây, vừa được nghe Báo cáo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, và qua ý kiến phát biểu của một số đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhất là những gì được tận mắt chứng kiến trên đường đi và ở một số cơ sở, tôi rất vui mừng trước những đổi thay của quê hương Lạng Sơn đang thực sự thay da, đổi thịt; đúng như tác giả Nguyễn Khôi đã viết trong bài thơ “Đường lên Xứ Lạng”:
Đường lên Xứ Lạng thênh thênh
Bản xưa lên phố, núi xanh lên rừng
Con đường cao tốc thẳng tưng
Xuân vang Sli – lượn, “lồng tồng” hội vui
Kỳ Cùng sông biếc ta soi
Mới hay đời mới cùng người nên duyên!
Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, trong điều kiện đất nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực đổi mới sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, như trong Báo cáo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ vừa trình bày. Tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm một số điểm nổi bật là:
Thứ nhất, mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song các đồng chí đã có quyết tâm rất cao trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công “Cửa khẩu số”; ứng dụng “Công dân số Xứ Lạng”. Đến nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của Lạng Sơn đã xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 21 bậc so với năm 2021); đứng thứ 6 toàn quốc về chuyển đổi số. Đặc biệt, năm 2022, Tỉnh được xếp thứ 2 trong nhóm 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Nhờ đó, kinh tế Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực, có tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc; về tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GRDP) giai đoạn 2021 – 2022 đạt 6,95% (năm 2021 đạt 6,67%, năm 2022 đạt 7,22%), cao hơn 1,5% so với bình quân giai đoạn 2015 – 2020; thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021 – 2022 đạt 49,26 triệu đồng (năm 2021 đạt 46,8 triệu đồng, năm 2022 đạt 51,72 triệu đồng), cao hơn 29,3% so với giai đoạn 2015 – 2020. Đến hết quý I/2023, đã có 96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 22 xã nông thôn mới nâng cao và 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Thứ hai, các lĩnh vực văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ, đạt nhiều chỉ tiêu thuộc nhóm cao trong cả nước; chất lượng giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ nét. Đến năm 2023, toàn tỉnh đã có 272/670 trường đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành mục tiêu 200 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, bình quân có 11,2 bác sĩ và 32,9 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,8%. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao được mở rộng, chất lượng chăm sóc sức khoẻ của nhân dân được bảo đảm, nhất là trong phòng, chống dịch vừa qua. Công tác dân tộc, tôn giáo không ngừng được chú trọng, củng cố; các tiềm năng về lịch sử, văn hoá, con người Lạng Sơn được khơi dậy, phát huy; nhiều di tích lịch sử, văn hoá, di tích cách mạng được bảo tồn, đầu tư tôn tạo; đóng góp ngày càng nhiều cho phát triển kinh tế – xã hội theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Tỉnh đã xác định; đó là đưa phát triển văn hoá, du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh.
Thứ ba, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, không để xẩy ra tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định và phát triển; hợp tác hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Tích cực, chủ động xây dựng Lạng Sơn thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh. Hoạt động đối ngoại được chú trọng mở rộng; đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực vào những thành tựu đối ngoại chung của cả nước.
Thứ tư, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền có nhiều tiến bộ; Tỉnh thuộc nhóm đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cũng có nhiều đổi mới; mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được tăng cường.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng, cảm ơn và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn công tác và các đồng chí lãnh đạo tỉnh trồng cây lưu niệm tại khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy Lạng Sơn
Thưa các đồng chí,
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: (1) Quy mô kinh tế của Tỉnh còn nhỏ; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển của tỉnh. (2) Chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… (3) Năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có những hạn chế về năng lực, trình độ; chưa thật gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí còn vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật. (4) Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là an ninh biên giới, an ninh nông thôn, còn có tình trạng khiếu kiện tập trung đông người… Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, tôi đề nghị các đồng chí cần đi sâu phân tích rõ hơn về nguyên nhân của những hạn chế đó, nhất là những nguyên nhân chủ quan, để từ đó sớm có các giải pháp, quyết tâm khắc phục cho bằng được trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
Về mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, nhất là nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ, tôi hoan nghênh trong báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Tỉnh vừa qua, các đồng chí đã đề ra được các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong việc thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 mới đây của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tôi chỉ xin lưu ý, nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau:
Một là, Đảng bộ Lạng Sơn cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình và bối cảnh chung; những thuận lợi và khó khăn riêng của một tỉnh miền núi, biên giới đi lên từ nông, lâm nghiệp, nhưng cũng có rất nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch, dịch vụ và công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao; đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu, nơi có nhiều cửa khẩu quan trọng của quốc gia, đặc biệt là cửa khẩu Hữu nghị, một cửa khẩu lớn nhất, lâu đời nhất giữa nước ta với Trung Quốc; để từ đó đề ra mục tiêu, yêu cầu; xác định nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, trong phát triển kinh tế – xã hội, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh đã xác định: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đổi mới, sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ; hạ tầng khu, cụm công nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy mạnh phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác; xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững”. Cần xác định rõ, phát triển kinh tế cửa khẩu không chỉ để phát triển kinh tế của tỉnh mà quan trọng hơn là để góp phần phát triển kinh tế của cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc, đồng thời tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy với nước bạn Trung Hoa.
Hai là, kết hợp chặt chẽ, hài hoà hơn nữa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội. Có thể nói không quá rằng, Lạng Sơn là một vùng đất vừa thơ mộng vừa trữ tình, có nền văn hoá rất đa dạng, phong phú với những nét đặc trưng riêng hiếm có, vùng đất của lịch sử với gần 400 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc sắc; là vùng đất của lễ hội; theo thống kê thì Lạng Sơn có đến trên 365 lễ hội dân gian với tính chất, quy mô lớn, nhỏ được tổ chức hằng năm; còn về lĩnh vực ẩm thực thì Lạng Sơn cũng là vùng đất nổi tiếng với nhiều món ăn mang đậm hương vị đặc sắc của con người vùng núi Đông Bắc đã làm nên thương hiệu cho ẩm thực Xứ Lạng. Tất cả những thế mạnh, tiềm năng đó cần được khai thác, phát huy, với tinh thần lấy người dân làm trung tâm để từ đó giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, tôi đề nghị Tỉnh cũng hết sức quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Quan tâm lãnh đạo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với nhân lực ở nông thôn, miền núi, vùng triển khai nhiều dự án đầu tư mới; cần quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, với đồng bào dân tộc, vấn đề an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; để đời sống của các gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo, đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Ba là, tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực theo những định hướng lớn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra; đặc biệt chú ý quan tâm tập trung làm tốt công tác cán bộ. Có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, cho cả trước mắt lẫn lâu dài; chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn và các bộ, ngành Trung ương nhằm huy động cao nhất và sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Xác định rõ vai trò, vị trí, tiềm năng, thế mạnh của Lạng Sơn trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội; coi trọng việc liên kết vùng để tạo động lực cho phát triển; xây dựng Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm trở thành tỉnh có dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
Bốn là, với trọng trách là “phên giậu quốc gia” về quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng là “phên giậu về kinh tế”, bảo vệ vững chắc thị trường nội địa cũng chính là bảo vệ chủ quyền, an ninh kinh tế của đất nước. Lạng Sơn phải đặc biệt coi trọng chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển; chủ động thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh, của Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Năm là, chăm lo đầy đủ và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nhất là phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trước hết là đoàn kết nội bộ trong các cấp uỷ, chính quyền và đặc biệt đoàn kết trong Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ, từ đó lan toả, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII và Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, đồng thời bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”, gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; trước hết là phải có các giải pháp cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế như trong Báo cáo của Tỉnh đã nêu.
Về các kiến nghị, đề xuất của Lạng Sơn hôm nay, tôi thấy rất cụ thể, xuất phát từ thực tiễn quá trình vận động, phát triển, từ mong muốn tìm tòi, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tôi đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp, gửi các ban, bộ, ngành có liên quan theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình; sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với tỉnh để giải quyết cụ thể với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất để Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà lực lượng làm nhiệm vụ tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Thưa các đồng chí,
Nhân dịp được về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn hôm nay, một lần nữa tôi tin tưởng và mong rằng, với truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng vẻ vang của quê hương đang trên đà phát triển; cùng với ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tinh thần năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, phấn đấu hoàn thành vượt mức, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, xây dựng quê hương Lạng Sơn thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc; xứng đáng với câu ca:
“Ai lên Xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu, nắm nem,
Mải vui quên cả lời em dặn dò!”
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Theo baolangson.vn