Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dành cho báo chí cuộc trả lời phỏng vấn về quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên (PV): Thứ trưởng cho biết ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam trong vài ngày tới là một chuyến thăm rất đặc biệt. Vì đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Lần đầu tiên, cả Tổng thống và Phó tổng thống Hoa Kỳ cùng thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ. Đây cũng là sự tiếp nối truyền thống trong gần 30 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đó là các đời Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đều thăm Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. |
Chuyến thăm cho thấy hai bên đều rất coi trọng nhau trong chính sách đối ngoại của mình và trong chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đối với Hoa Kỳ, chuyến thăm thể hiện Hoa Kỳ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, coi trọng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và của lãnh đạo Việt Nam. Đây cũng là cột mốc rất quan trọng trên hành trình nỗ lực chung của hai nước để hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman vào tháng 2-1946, đó là Việt Nam có quan hệ hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ.
PV: Thứ trưởng chia sẻ những điểm nhấn đáng chú ý trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Trong gần 30 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, thương mại hai nước có sự phát triển vượt bậc, hết sức ấn tượng. Năm 1995, thương mại hai chiều mới đạt 450 triệu USD thì đến năm 2022 đã đạt 123 tỷ USD. Việt Nam đã vươn lên rất nhanh chóng, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ trong ASEAN. Cũng từ năm 2022, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với con số 100 tỷ USD. Về đầu tư, Hoa Kỳ luôn là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến năm 2022, đã có hơn 11 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, đó là chưa kể đầu tư thông qua chi nhánh của những công ty của Hoa Kỳ từ các nước thứ ba.
Điểm mới so với trước đây là một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Hoa Kỳ với số vốn lên đến hàng tỷ USD, góp phần tạo hàng nghìn việc làm cho người lao động Hoa Kỳ.
PV: Thứ trưởng cho biết những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian tới?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư chiếm ưu tiên cao. Lĩnh vực này tiếp tục là trọng tâm, nền tảng, đồng thời là động lực cho hợp tác chung trong quan hệ hai nước. Hai nước sẽ tập trung vào những lĩnh vực như hợp tác chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển công nghiệp chế tạo.
Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá. Hai nước sẽ tập trung vào việc tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm cũng sẽ được chú trọng.
Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh cũng là lĩnh vực tiếp tục được ưu tiên. Đây là điểm sáng, có thể nói là hình mẫu trong hợp tác của hai nước. Bên cạnh đó, hai nước cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, đào tạo quân y, cứu hộ, cứu nạn, nâng cao năng lực hàng hải và hàng không.
Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, hai nước cũng sẽ tăng cường phối hợp, trong ASEAN, APEC, LHQ và đặc biệt phối hợp với nhau để cùng xử lý các thách thức toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước...
PV: Việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục đạt được những bước tiến có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, thưa đồng chí Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là một lĩnh vực trọng tâm và được ưu tiên cao trong quan hệ hai nước. Đặc biệt sau khi xác lập mối quan hệ đối tác toàn diện, hai bên còn đặt quan tâm cao hơn đối với lĩnh vực này. Phía Hoa Kỳ đã hỗ trợ rất hiệu quả trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh trên 4 lĩnh vực cụ thể. Thứ nhất là khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở sân bay Đà Nẵng và hiện nay đang xử lý ở sân bay Biên Hòa. Đã có những lô đất đầu tiên ở khu vực sân bay Biên Hòa được tẩy độc và giao cho phía Việt Nam đưa vào sử dụng.
Lĩnh vực thứ hai là khắc phục hậu quả bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh được hai bên hợp tác rất tích cực. Ở Quảng Trị, địa phương còn rất nhiều bom, mìn sót lại sau chiến tranh, nhiều thửa ruộng, lô đất đã được làm sạch. Người dân trồng hạt tiêu, các nông sản trên những mảnh đất được dọn sạch bom, mìn và xuất khẩu đi rất nhiều nơi, trong đó có Hoa Kỳ.
Thứ ba là giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, trong đó có những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trước đây, Hoa Kỳ nêu chung chung việc giúp đỡ nạn nhân chiến tranh vì khắc phục hậu quả chiến tranh và chất độc da cam/dioxin là một vấn đề rất nhạy cảm đối với nội bộ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thời gian qua, với tinh thần hợp tác và xây dựng, phía Hoa Kỳ cũng đã nhận thức được trách nhiệm về mặt đạo lý cũng như trách nhiệm hỗ trợ về mặt tài chính để không chỉ giúp các nạn nhân chiến tranh nói chung mà cả các nạn nhân da cam/dioxin. Đây là bước tiến rất quan trọng, thể hiện đây là lĩnh vực nhân đạo, hai bên có sự hiểu biết và thúc đẩy hợp tác trong thời gian qua.
Thứ tư là tìm kiếm người mất tích của cả hai phía. Đối với người Mỹ mất tích, chúng ta đã hợp tác rất dài. Vừa qua, hai bên kỷ niệm 35 năm hợp tác xử lý vấn đề này. Gần đây, Hoa Kỳ tích cực hợp tác với Việt Nam, giúp ta tìm kiếm và định danh hài cốt bộ đội hy sinh trong chiến đấu. Những hợp tác trong lĩnh vực này có tác dụng hàn gắn vết thương chiến tranh, tạo dựng lòng tin. Đây là cơ sở quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo qdnd.vn