Bên cạnh nội dung tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, Trung ương dành thời gian thảo luận lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới trong ngày làm việc thứ hai.
Chiều 3/10, Văn phòng Trung ương Đảng phát đi thông cáo ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương 8.
Phiên làm việc buổi sáng diễn ra dưới sự điều hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024-2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.
Chiều cùng ngày, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 8 (Ảnh: Đoàn Bắc).
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8, sáng 2/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và kế hoạch năm 2024; Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024-2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.
Tổng Bí thư lưu ý nhiều hạn chế phải đối mặt như kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ thị trường nước ngoài; thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn và tiềm ẩn rủi ro.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19.
Tổng Bí thư cũng nêu thực tế một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp...
Chỉ đạo cần xác định đúng mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024, Tổng Bí thư lưu ý sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024.
Liên quan đến vấn đề cải cách chính sách tiền lương, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chúng ta đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026..
Trước đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận kỹ về vấn đề bảo hiểm xã hội và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, trọng tâm là công tác cải cách chính sách tiền lương.
Theo Bộ trưởng, cải cách chính sách tiền lương là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới, lộ trình bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội
Nhìn vào tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, thời gian qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải bỏ việc vì lương thấp.
Để tạm thời bù đắp một phần thu nhập, đảm bảo đời sống cho người dân, ngày 1/7, Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở và đang thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, bên cạnh việc bỏ lương cơ sở, Chính phủ sẽ thiết kế song song 5 bảng lương mới, gồm: bảng lương đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý; bảng lương của đối tượng làm chuyên môn nghiệp vụ; bảng lương đối với lực lượng vũ trang;...
Riêng lực lượng vũ trang có 3 bảng lương gồm mức lương cho sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; quân nhân quốc phòng và quân nhân của lực lượng công an.
Theo dantri.com.vn