Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý cán bộ, công chức là nội dung và yêu cầu có tính quyết định; công tác xây dựng thể chế là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao và ưu tiên trong công tác xây dựng thể chế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Trong xây dựng thể chế về quản lý cán bộ, công chức, Chính phủ luôn quán triệt nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng về công tác cán bộ; thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; đẩy mạnh thực hiện việc phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm soát quyền lực. Đồng thời, tạo cơ chế liên thông trong công tác cán bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức chất lượng, hiệu quả; kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định có liên quan; tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; giải quyết những bất cập, vướng mắc từ thực tiễn.
Thực hiện cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Ảnh minh họa: Haiphong.gov.vn |
Căn cứ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW, Luật Cán bộ, công chức, Nghị quyết số 50/NQ-CP (ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII), Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản, đề án. Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; trình Quốc hội quy định về thời hiệu kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng (tại Mục 5 Nghị quyết số 76/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV).
Từ khi Luật Cán bộ công chức có hiệu lực (năm 2010) đến nay, Chính phủ đã ban hành 42 nghị định liên quan đến quản lý cán bộ, công chức để triển khai thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 19 thông tư hướng dẫn. Các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2023; Đề án Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030; Đề án Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025 và Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Căn cứ Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, rà soát Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật có liên qua để báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12-2023, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Trong đó, tập trung nghiên cứu, tiếp tục quy định, làm rõ hơn chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị. Hoàn thiện cơ chế lựa chọn, đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về vị trí việc làm của hệ thống chính trị làm cơ sở xác định biên chế của từng cơ quan, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn, gắn với đánh giá thực chất, xếp loại chính xác cán bộ, công chức. Sửa đổi các quy định về thẩm quyền quản lý biên chế phù hợp với quy định của Đảng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện pháp luật và thực thi công vụ; hoàn thiện cơ chế liên thông đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
Trên cơ sở quy định của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ (Quy định 50-QĐ/TW), hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các quy định, kế hoạch về công tác quy hoạch cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý. Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất phát từ tình hình thực tế đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong từng nhiệm kỳ và định hướng nhiệm kỳ kế tiếp. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với các khâu khác trong công tác cán bộ, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo có thẩm quyền, nguyên tắc tập trung dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch.
Theo qdnd.vn