Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiến hành thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhân dịp này, phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc trao đổi với Trung tướng, PGS, TS Trần Thái Bình, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng.
PV: Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với sự đổi mới tư duy mạnh mẽ và có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp mang tính đột phá, khả thi cao, sau 10 năm thực hiện, chúng ta đã được những kết quả gì nổi bật, thưa đồng chí?
Trung tướng Trần Thái Bình: Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là sự kế thừa, phát triển phù hợp tình hình thế giới, khu vực và tình hình trong nước, từ Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, năm 2003 (sau đây gọi tắt là Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc - BVTQ). Đây là một trong hai chiến lược cơ bản của đất nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược BVTQ, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chiến lược BVTQ được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành có bổ sung, phát triển, những vấn đề có tính nguyên tắc được giữ vững và phát triển như: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, sức mạnh tổng hợp quốc gia, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, chuẩn bị đất nước sằng sàng đối phó với các tình huống xung đột và chiến tranh... Có những vấn đề cần nhận thúc đầy đủ hơn, mới hơn như: Vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, xác định đối tác, đối tượng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, nhận thức mới về sức mạnh mềm BVTQ...
Những kết quả nổi bật có thể kể đến như: Đã bảo vệ có hiệu quả lợi ích quốc gia - dân tộc, trong đó đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bao gồm vùng đất, vùng trời, biên giới quốc gia, biển đảo và thềm lục địa; xử lý hợp lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên vùng biển đảo, biên giới và trong nội địa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân được xây dựng ngày càng vững chắc, trong đó luôn coi trong xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, kết hợp kinh tế với quốc phòng; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đạt được những kết quả nhất định, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ; triển khai xây dựng Quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh bước đầu đạt được các kết quả quan trọng. Quân đội luôn xứng đáng là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thực hiện đúng chính sách “4 không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, chúng ta đã giữ vững được độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Quan hệ quốc tế, hợp tác quốc tế được mở rộng, vị thế và uy tín của đất nước được nâng cao, sức mạnh tổng hợp quốc gia BVTQ được nâng lên một bước.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. |
PV: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, những mục tiêu, quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ giải pháp nào đã được thực tế kiểm nghiệm là đúng đắn cần tiếp tục kiên trì, nghiêm túc thực hiện, thưa đồng chí?
Trung tướng Trần Thái Bình: Có thể khẳng định các nội dung cơ bản của Chiến lược BVTQ đã được hoạch định sát thực tiễn, được thực tiễn kiểm nghiệm tính đúng đắn và được thực hiện đạt kết quả cao.
Mục tiêu chiến lược là: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là mục tiêu chiến lược phản ánh đúng lợi ích cốt lõi của quốc gia - dân tộc, phù hợp tình hình thế giới, khu vực, đất nước và có giá trị thực tiễn rất to lớn.
Các nội dung về quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp, đều đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính đúng đắn, có thể khái quát các nội dung đó là: Xác định đối tác, đối tượng. Vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh tổng hợp quốc gia. Phát triển kinh tế bảo đảm ngày càng tốt hơn cho quốc phòng, an ninh, BVTQ, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Phát huy sức mạnh của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để BVTQ. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, với các nội dung cơ bản là xây dựng tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng, an ninh, coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc. Mở rộng quan hệ quốc tế, hợp tác quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín và năng lực cạnh tranh quốc tế của đất nước.
Tất cả đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính đúng đắn, được triển khai thực hiện có hiệu quả cần được nghiêm túc thực hiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, còn có một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện.
Về lợi ích quốc gia - dân tộc, ngày nay các nước đều công khai lợi ích quốc gia - dân tộc và tìm mọi giải pháp để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc của mình. Đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề tối hệ trọng, gồm toàn bộ các điều kiện cần thiết cho dân tộc trường tồn và phát triển, khi xác định mục tiêu của Chiến lược BVTQ chúng ta đã xếp lợi ích quốc gia - dân tộc nằm chung với chính các nội dung của nó. Lợi ích quốc gia - dân tộc là lợi ích bao trùm của các lợi ích, vì vậy cần được đặt lên trên hết, trước hết.
Về sức mạnh mềm BVTQ, trong chiến lược BVTQ đã có đề cập đến một số nội dung của sức mạnh mềm: Chính trị, các giá trị văn hóa, các giá trị của các chính sách ngoại giao... Nhưng chưa có một giải pháp chiến lược đầy đủ về sử dụng sức mạnh mềm một cách có hệ thống và đạt hiệu quả cao. Sức mạnh mềm là toàn bộ khả năng của một quốc gia có thể tạo ra để hấp dẫn, lan tỏa, thu hút, lôi cuốn, thuyết phục các quốc gia khác, tự nguyện điều chỉnh hành vi, chính sách hòa đồng với mình, góp phần cùng với các sức mạnh khác bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Sức mạnh mềm là một phần quan trọng của sức mạnh tổng hợp quốc gia, là sức mạnh của hòa bình, vì hòa bình, được thực hiện bằng các giải pháp hòa bình trong các điều kiện của thời bình, đây là nguồn sức mạnh có khả năng cao ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ xung đột và chiến tranh, thực hiện giữ nước “từ khi nước chưa nguy”, bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa. Vì vậy, cần được đề cập đầy đủ trong chiến lược.
Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm về vấn đề chuyển hóa đối tượng, đối tác. Các biện pháp thực hiện phương châm “Kiên trì giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế”, có thể bổ sung thêm “và lợi ích quốc gia - dân tộc”.
PV: Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được nêu trên, còn những điểm gì cần lưu ý để làm tốt hơn trong thời gian tới? Bài học kinh nghiệm rút ra là gì?
Trung tướng Trần Thái Bình: Có thể khẳng định, kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Chiến lược BVTQ trong tình hình mới là rất to lớn, cơ bản và có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình thế giới, khu vực đầy biến động, khó dự báo như hiện nay.
Tuy nhiên, thực hiện Chiến lược BVTQ cũng còn những hạn chế cần khắc phục, như: Nhận thức về nhiệm vụ BVTQ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ, sâu sắc, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác. Còn biểu hiện quan liêu, xa dân, không nắm chắc tình hình, dẫn đến có sơ hở trong bảo đảm an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh thông tin, an ninh xã hội và an ninh ở một số địa bàn, lĩnh vực quan trọng.
Các nguy cơ mà các Đại hội Đảng đã chỉ ra, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI tiếp tục cảnh báo, chưa được khắc phục, có mặt còn nghiêm trọng hợn. Việc nắm tình hình, dự báo chiến lược chất lượng chưa cao, có mặt chưa theo kịp tinh hình. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân có nội dung còn chưa vững chắc. Sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang so với yêu cầu, nhiệm vụ có mặt còn hạn chế; thiếu cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ lực lượng vũ trang. Đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ ở địa phương. Nhận thức và tổ chức thực hiện kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh kém hiệu quả, còn biểu hiện đề cao lợi ích kinh tế, coi nhẹ lợi ích quốc phòng, an ninh.
Một số bài học kinh nghiệm chủ yếu được rút ra là: Một là, phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, BVTQ.
Hai là, không ngừng củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy cao độ sức mạnh của các lực lượng, các bộ, ngành, các lĩnh vực từ Trung ương đến các địa phương, tạo thành sức mạnh tổng hợp quốc gia BVTQ.
Ba là, luôn lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm tiêu chuẩn để hành động, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết.
Bốn là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân”; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Năm là, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.
Sáu là, coi trọng sử dụng “sức mạnh mềm", sức mạnh của hòa bình, vì hòa bình để giữ vững hòa bình, ổn định xây dựng và phát triển đất nước.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới , chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ. |
PV: Thời gian tới, sự nghiệp BVTQ có những thuận lợi, cơ hội nào cần nắm bắt, những khó khăn thách thức nào phải vượt qua, để chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống?
Trung tướng Trần Thái Bình: Thuận lợi cơ bản của chúng ta trong sự nghiệp BVTQ được thể hiện tổng quát trong lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.
Chúng ta BVTQ trong tình hình thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, với đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường hội nhập quốc tế, chúng ta đã phát huy được sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại. Ở trong nước, chúng ta có sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp BVTQ. Kinh tế, xã hội phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, BVTQ; công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt được những quả nhất định, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết, sức mạnh tổng hợp quốc gia được tăng cường. Môi trường hòa bình, ổn định được giữ vững, tạo thuận lợi cho triển khai các nội dung, phương án, kế hoạch của Chiến lược BVTQ. Nền quốc phòng toàn dân được quan tâm xây dựng ngày càng vững chắc, nhất là xây dựng “thế trận lòng dân”, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, đặc biệt là xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân tinh, gọn, mạnh, có sức cơ động cao, được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại, có sức mạnh chiến đấu đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ, xứng đáng là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Khái quát lại có thể khẳng định thế và lực của đất nước ta chưa bao giờ mạnh như hôm nay là điều kiện thuận lợi, cơ hội lớn cho sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, sự nghiệp BVTQ của chúng ta cũng phải vượt qua những khó khăn, thách thức. Chúng ta BVTQ trong một thế giới đang thay đổi, đầy biến động, khó dự báo, các nước đều có sự điều chỉnh về chiến lược, nhất là các nước lớn nhằm tập hợp lực lượng thực hiện chiến lược của mình. Xu hướng đa cực hình thành ngày càng rõ nét, trong đó các quốc gia được tự do phát triển không lệ thuộc vào quốc gia khác. Lợi ích quốc gia - dân tộc được đề cao, vì thế mâu thuẫn về lợi ích trở nên vô cùng gay gắt, các quốc gia bằng mọi cách bảo vệ lợi ích của mình, kể cả sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, chạy đua vũ trang vì thế mà gia tăng.
Ở trong nước, các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” tăng cường hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực, nhằm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Tranh chấp biển, đảo diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; trên một số vùng chiến lược còn tiềm ẩn các yếu tố có thể gây mất ổn định. Những biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống cùng với sự xuống cấp về các giá trị văn hóa, đạo đức, tình trạng phân hóa giàu, nghèo, khiếu kiện đông người... Tác động của mặt trái kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng bộc lộ rõ và có phần gay gắt. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng công khai và ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó là nguy cơ xảy ra khủng bố, chiến tranh mạng, mất an ninh thông tin, tội phạm, trật tự, an toàn xã hội. Đời sống của một bộ phận lực lượng nòng cốt BVTQ còn nhiều khó khăn…
Thời gian tới, chúng ta cần triệt để phát huy các thuận lợi và cơ hội, vượt qua các khó khăn thách thức, kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định đất nước. Tăng cường hiệu quả các giải pháp hòa bình, trong các điều kiện thời bình, chủ động chuẩn bị đất nước về mọi mặt, ngăn chặn có hiệu quả các nguy cơ xung đột và chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Theo qdnd.vn