Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng

Thứ 3, 10.10.2023 | 09:29:49
514 lượt xem

Sáng 9/10, tại thành phố Sóc Trăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng

Cùng tham dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan.

Tiềm lực kinh tế, xã hội được tăng cường

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Sóc Trăng, 9 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng của tỉnh ước đạt 5,14% (cùng kỳ năm 2022 là 6,63%). Tổng sản phẩm xã hội của tỉnh (GRDP) tăng bình quân trong 3 năm (2021 - 2023) là 5,76%/năm, đạt 72% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Ước GRDP bình quân đầu người là 60,3 triệu đồng/người/năm 2023, tăng 1,3 lần so với năm 2020. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt khoảng 33,9%, tăng khoảng 0,5% có với năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn bình quân chung của cả nước…

Sau khi nghe lãnh đạo các Văn phòng Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan phát biểu, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Sóc Trăng nhân dịp công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bày tỏ ấn tượng trước sự đổi thay, phát triển của tỉnh. Sau 31 năm tái lập (tháng 4/1992 - 4/2023), từ một tỉnh thuần nông với xuất phát điểm rất thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, hiện Sóc Trăng đã có những bước phát triển quan trọng, tiềm lực kinh tế, xã hội được tăng cường, có một diện mạo mới, năng động hơn.

Tỉnh đã quyết liệt triển khai các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, ban hành 10 nghị quyết chuyên đề quan trọng bao quát các lĩnh vực kinh tế - xã hội… Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu từng bước thu hẹp và tiến kịp quá trình phát triển chung của cả nước.

Hiện môi trường kinh doanh của tỉnh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tăng từ hạng 54 lên 34, đứng thứ 7 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến, tiến bộ; chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên; công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội... được quan tâm thực hiện, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Ước tính đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm, trong đó, tỉ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3%/năm.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền ở các cấp không ngừng được nâng lên. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND, UBND các cấp ngày càng thực chất, hiệu quả, chất lượng được nâng cao...

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong thời gian qua.

Hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh khá, cửa ngõ chính

Theo Chủ tịch Quốc hội, quy mô kinh tế của Sóc Trăng còn nhỏ, trong khi mục tiêu rất cao, vì vậy khát vọng phải mạnh hơn, lớn hơn. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ này, trên cơ sở kết luận của Trung ương, chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để đặt ra chỉ tiêu cao nhất cho năm 2023 và cho cả 2024 để đóng góp cho cả nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại mục tiêu trong quy hoạch tỉnh Sóc Trăng là trở thành tỉnh khá vào năm 2030, là một cửa ngõ chính của khu vực đồng bằng sông Cửu Long ra Biển Đông thông qua hệ thống hạ tầng giao thông kết nối và cảng Trần Đề, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics, các dự án năng lượng.

Tinh thần chung là đồng bằng sông Cửu Long phải có một cảng nước sâu, cơ sở chính trị và pháp lý đã có, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến yêu cầu phải thống nhất nhận thức để triển khai thực hiện, cùng với đầu tư cơ bản của Nhà nước, tỉnh kêu gọi đầu tư để xây dựng cảng nước sâu Trần Đề gắn với khu kinh tế biển.

Nhấn mạnh công tác công nghiệp hóa tại chỗ, đô thị hóa tại chỗ dựa trên khả năng của địa phương, vùng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Sóc Trăng tiếp tục đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, bảo đảm kết nối giữa các đô thị động lực với các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ, trung tâm đầu mối; gắn kết không gian biển với khu vực đất liền; đẩy nhanh việc triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối với vùng. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch chế biến nông sản, kêu gọi đầu tư vào chế biến nông sản-thủy sản...

Hội nghị Trung ương 8 vừa ban hành một loạt chính sách mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng sớm quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết. Sóc Trăng tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào công tác lập pháp của Quốc hội, nhất là với những dự án luật quan trọng mà Quốc hội sẽ xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới như Luật Đất đai (sửa đổi); công tác giám sát tối cao của Quốc hội; chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo các cấp ủy đảng và người giữ chức vụ do HĐND bầu.

Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chú ý thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, trong đó có quy hoạch cán bộ cho cơ quan dân cử.

Tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong tỉnh trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; làm tốt công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng; chú trọng công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cùng với tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tạo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tới, bắt đầu từ bây giờ, tỉnh cần triển khai việc nghiên cứu, xây dựng văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ cho nhiệm kỳ 5 năm tới (2026-2030). Bên cạnh đó quan tâm đến nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội, vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, logistics…

Sau khi công bố Quy hoạch, Sóc Trăng cần hết sức khẩn trương, nhanh chóng tập trung các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trong Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, bởi "thời gian cũng là lực lượng", bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 81 của Quốc hội.

Sóc Trăng tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ; chuyển đổi tư duy từ "phát triển sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "phát triển kinh tế nông nghiệp". Cùng với đẩy nhanh tiến độ các dự giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch; nâng cao chất lượng giáo dục, công tác khám chữa bệnh cho người dân; bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan tâm lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, của HĐND các cấp; tiếp tục đóng góp có hiệu quả đối với công tác lập pháp của Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, nhất là các chuyên đề giám sát của Quốc hội trong năm 2023, 2024; tham gia hiệu quả, đóng góp tích cực, chất lượng tại các kỳ họp sắp tới, nhất là Kỳ họp thứ 6 tới đây có khối lượng công việc lớn nhất từ trước tới nay, xem xét, cho ý kiến gần 20 dự án luật và dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật, nhiều nội dung đặc biệt lớn, quan trọng, phức tạp (như: dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu…).

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo các cấp ủy đảng và người giữ chức vụ do HĐND bầu, bảo đảm đúng yêu cầu, tiến độ tại Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Sóc Trăng tiếp tục giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận lòng dân thực sự vững chắc, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tỉnh cần nhận thức sâu sắc và làm tốt công tác dân tộc, tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, nâng cao và củng cố niềm tin của đồng bào với sự lãnh đạo của Đảng, góp phần vào thành công của sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Đối với một số kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có ý kiến trao đổi. Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị để gửi tới các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho địa phương. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ đôn đốc và giám sát quá trình triển khai thực hiện. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền…/.


Theo baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-tinh-uy-soc-trang-102231009180939935.htm

  • Từ khóa