Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ lý do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ "tiếp ít, ủy quyền nhiều" trong tiếp dân. Một số ý kiến cũng đề nghị công khai những người đứng đầu không chịu tiếp dân.
Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 11/10.
Bộ trưởng "tiếp dân ít, ủy quyền nhiều"
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2023 đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời 81,8% các vụ việc khiếu nại và 86,2% vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 (Ảnh: Hồng Phong).
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật ghi nhận các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thực hiện tốt công tác tiếp công dân.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý việc công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để khiếu nại, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh (tăng 268,6%), nhất là về số lượng đoàn đông người. Thực tế này cho thấy tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở Trung ương năm 2023 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp phù hợp xử lý và khắc phục tình trạng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết việc chấp hành quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh có chuyển biến tích cực (đạt 79%), cao hơn 2% so với năm 2022 và cao hơn 23% so với bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2021.
Tuy nhiên, trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%). Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ "tiếp ít, ủy quyền nhiều".
Bên cạnh đó, Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, trong báo cáo gộp số ngày thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trực tiếp tiếp công dân với số ngày ủy quyền cho cấp phó tiếp là chưa phản ánh chính xác trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc trực tiếp tiếp công dân.
Theo báo cáo của Chính phủ, so với năm 2022, tổng số đơn các loại do cơ quan hành chính Nhà nước tiếp nhận tăng 29,6%. Trong đó, hơn 440.000 đơn đã được xử lý (99,1%).
Trong đó, số đơn do các bộ, ngành Trung ương tiếp nhận tăng 79,3% - cao hơn rất nhiều so với địa phương (tăng 22,6%).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Hồng Phong).
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cấp cao càng giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp.
Chỉ rõ địa chỉ "lười tiếp dân"
Về kết quả giải quyết tố cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết qua phân tích số liệu, số tố cáo có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 23,5%, so sánh với tỷ lệ năm 2022 là 18,7% cho thấy tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức cao hơn năm trước.
Bên cạnh đó, số tố cáo có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 33,5%, so sánh với năm 2022 là 36,1% cho thấy tỷ lệ sai sót trong giải quyết tố cáo lần đầu của các cơ quan Nhà nước tuy có giảm, nhưng vẫn còn cao.
Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp quyết liệt hơn để nâng cao chất lượng của công tác giải quyết tố cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Ảnh: Hồng Phong).
Cũng theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ cần làm rõ "địa chỉ" cụ thể cá nhân, cơ quan, địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế để xác định trách nhiệm và có chế tài xử lý, giúp công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo chuyển biến thực sự.
Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ và công khai thông tin những đơn vị mà người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng các ngành.
Bà Nga cho rằng nội dung này cần công khai báo cáo Quốc hội. "Nếu chúng ta có địa chỉ, công khai, tình hình năm sau sẽ chuyển biến tích cực", bà Nga nói.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị bổ sung rõ "địa chỉ" cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa trực tiếp tiếp công dân để xác định trách nhiệm, có chế tài xử lý thích hợp.
Theo dantri.com.vn