Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thứ 6, 27.10.2023 | 09:03:55
618 lượt xem

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ sáu, hôm nay (27-10), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chương trình làm việc hôm nay, thứ sáu, ngày 27-10-2023:

Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ;

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

 

* Hôm qua, thứ năm, ngày 26-10-2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tư của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 26-10.  

Buổi sáng

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Nội dung 1: Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung trên.

Nội dung 2: Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận đã có 28 lượt đại biểu phát biểu, tập trung về những nội dung sau: Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước; các hành vi bị nghiêm cấm; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước; trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Phát triển khoa học, công nghệ trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; chức năng nguồn nước; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước; quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; dòng chảy tối thiểu;

Các nguyên tắc xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu đập, hồ chứa; vai trò của cộng đồng dân cư trong việc giám sát, đề xuất các biện pháp thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; quy hoạch, điều hòa, phân phối tài nguyên nước, tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước; kê khai, đăng ký cấp phép, thời hạn của giấy phép về tài nguyên nước, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; các trường hợp phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước, tiêu chuẩn xả thải; hành lang bảo vệ nguồn nước; kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước mặt, chất lượng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác; quản lý, khai thác, sử dụng kênh đào;

Phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; quy trình vận hành đập, hồ chứa, liên hồ chứa; ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Kết thúc phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều (Truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam)

Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trong quá trình thảo luận, đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu, 9 đại biểu phát biểu tranh luận, trong đó ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nội dung dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về những nội dung sau: Yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ; bổ sung người làm công tác cơ yếu vào đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở công vụ; xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp;

Hình thức phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; điều kiện thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp; bố trí nhà ở phục vụ tái định cư; nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư; nguyên tắc lập phương án bồi thường, tái định cư; đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp;

Hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công; chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; loại dự án và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; chung cư mini;

Thời hạn sử dụng của nhà chung cư; hội nghị nhà chung cư; kinh phí bảo trì của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu; khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; các hành vi bị nghiêm cấm; giải thích từ ngữ.

Kết thúc phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/hom-nay-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-748819

  • Từ khóa