"Nút thắt" khiến cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm

Thứ 2, 30.10.2023 | 09:41:00
473 lượt xem

Đoàn giám sát chỉ ra nhiều vướng mắc khiến các chương trình mục tiêu quốc gia chậm. Trong đó, có việc Trung ương chưa cụ thể hóa được cơ chế đặc thù, mất nhiều thời gian để ban hành văn bản hướng dẫn…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm sáng 30/10 đã báo cáo Quốc hội "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".

Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia với nhiều đổi mới về cơ chế quản lý, nội dung tiếp cận xây dựng chính sách.

Một số địa phương thiếu quyết liệt, xây dựng nông thôn mới chững lại

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm (Phó trưởng Đoàn thường trực), đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các chương trình; tổ chức nhiều cuộc làm việc với các Bộ, ngành, Chính phủ; sử dụng tối đa kết quả kiểm toán, thanh tra và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.

Với chương trình xây dựng nông thôn mới, tính đến 30/6, cả nước có 6.022 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành chương trình nông thôn mới).

Nút thắt khiến cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm - 1

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm (Ảnh: Phạm Thắng).

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo.

"Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới", theo đánh giá của Đoàn giám sát.

Về giảm nghèo, giai đoạn 2021-2025, mục tiêu về giảm nghèo cao hơn so với các giai đoạn trước và gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng địa bàn, đối tượng thực hiện chương trình lại tập trung vào các "lõi nghèo" khó khăn nhất của cả nước.

Kết quả, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020, tuy chưa đạt so với mục tiêu Quốc hội giao nhưng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua, Đoàn giám sát nhìn nhận kết quả giảm nghèo là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% - đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát chỉ ra việc phân bổ ngân sách Trung ương còn chậm; giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2022 đạt 35,63% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 53% kế hoạch; giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 đến tháng 6 đạt 6,53%; giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8 đạt 31,9% kế hoạch.

Với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đoàn giám sát cho biết đến tháng 6, vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ hết cho các địa phương.

Tình hình giải ngân năm 2023 đã có tiến bộ, nhất là vốn đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công Trung ương đến tháng 6 đạt 22%, ước đến tháng 9 đạt 52%, nhiều địa phương giải ngân trên 60%, theo báo cáo giám sát.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng báo cáo của Chính phủ cho thấy tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao; nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế - xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của Chương trình.

Đáng lưu ý, Đoàn giám sát nêu thực trạng kết quả giải ngân đạt thấp, từ năm 2022 đến 6/2023 giải ngân khoảng 18,9% so với kế hoạch trung hạn. Giải ngân vốn sự nghiệp cũng là vấn đề rất đáng quan tâm.

"Năm 2022 giải ngân đạt 5,2%, năm 2023 (đến 30/6) giải ngân được 3,9% kế hoạch năm. Do đó, Chương trình này khó có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân đến hết năm 2025", theo nhận định của Đoàn giám sát.

Có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, song thực tế, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn; kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng.

Nút thắt khiến cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm - 2

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, song thực tế, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Ngọc Thắng).

Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng khả năng đạt mức thu nhập bình quân tăng 2 lần so với 2020, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu về thiếu đất ở, đất sản xuất, quy hoạch dân cư và nhiều chỉ tiêu khác đến năm 2025 ở vùng dân tộc thiểu số theo mục tiêu của chương trình… là rất khó khăn.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Đoàn giám sát chỉ ra phần nguyên nhân khách quan khi đây là lần đầu tiên thực hiện cơ chế, quản lý, chỉ đạo chung 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Đây cũng là lần đầu tiên thực hiện các nguyên tắc đổi mới của Quốc hội (thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường phân cấp cho địa phương và nhiều yêu cầu khác về đổi mới cơ chế quản lý, nội dung tiếp cận xây dựng chính sách…), vì thế, không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng về chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách; quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình còn hạn chế về số lượng và chất lượng, nhất là cấp huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, Đoàn giám sát cho biết còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện một số chính sách còn chưa rõ ràng, đồng bộ.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/nut-that-khien-ca-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-deu-cham-20231030083136129.htm

  • Từ khóa