Đường tuần tra của sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam

Thứ 2, 27.01.2020 | 13:38:16
478 lượt xem

Dọc đường tuần tra, Trung tá Lương Trường Vinh đối mặt với hiểm nguy rình rập và có lúc tim anh thắt lại khi nhìn những đứa trẻ chạy trốn chiến tranh.

Nhận nhiệm vụ Quan sát viên quân sự (Sỹ quan liên lạc) tại phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan (UNMISS) từ tháng 6/2019, Trung tá Lương Trường Vinh đã có hàng nghìn giờ tuần tra đến các địa bàn để nắm tình hình an ninh.

Ở một đất nước xung đột kéo dài gần thế kỷ, người dân sinh ra, lớn lên, già đi và chết trong chiến tranh, nên quá trình tuần tra của lực lượng mũ nồi xanh luôn phải đối mặt với những bất trắc trên đường. Sỹ quan liên lạc lại phải thường xuyên hoạt động tại thực địa, nhất là các điểm nóng về an ninh, khu vực bất ổn, thâm chí tại một số điểm đang giao tranh giữa các phe nhóm. Nơi nào người dân buộc phải rời nhà cửa thì ở đó Quan sát viên quân sự có mặt. Để đảm bảo an toàn cho các sỹ quan, Liên Hợp Quốc phải trang bị xe chống đạn trên một số tuyến đường tuần tra.

Chiếc xe bọc thép đảm bảo cho các sĩ quan thông tin liên lạc an toàn hơn. Tuy nhiên, nguy hiểm vẫn rình rập khi họ phải xuống xe đàm phán tại các trạm kiểm soát, tiếp xúc với người dân, thủ lĩnh các nhóm phiến quân, quân đội chính phủ.

Trung tá Lương Trường Vinh cho biết sĩ quan liên lạc phải có kĩ năng và kinh nghiệm xử lí tốt khi lái xe, nếu không sẽ bị sa lầy hoặc văng ra khỏi đường. Có nhưng chỗ dốc nghiêng đến 30-35 độ khi đánh lái còn không dám thở mạnh vì nếu chỉ ga không đều hoặc đánh lái chệnh đi là sẽ lật xe. Ảnh: Cục GGHB

Trung tá Lương Trường Vinh trên đường tuần tra. Ảnh: Cục GGHB

Quân chính phủ thường xuyên cản trở việc tự do đi lại của nhân viên phái bộ Liên Hợp Quốc, dù hai bên đã ký kết thỏa thuận về triển khai lực lượng và cơ chế chia sẻ thông tin. Tại các chốt chặn trên đường tuần tra, quân chính phủ thường yêu cầu có thêm con dấu của chính quyền địa phương hoặc từ chối cho qua vì lí do đang triển khai hoạt động quân sự. Họ cũng nói không muốn cho sỹ quan Liên Hợp Quốc đến các vùng phiến quân kiểm soát.

Trung tá Vinh nói, một trong các sứ mệnh chính của Phái bộ UNMISS là bảo vệ thường dân, thiết lập môi trường hòa bình để giúp người dân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Còn nguyên tắc của Liên Hợp Quốc là trung lập, không tham gia ủng hộ bất cứ phe phái nào trong xung đột. Do đó, nhiệm vụ của các thành viên phái bộ được thực hiện thông qua đàm phán, sao cho đoàn tuần tra vượt qua được chốt canh gác, đến địa điểm cần thiết, đặc biệt là nơi đang xảy ra xung đột để bảo vệ người dân, không để tình hình ở đó diễn biến xấu hơn.

Những cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài hàng giờ đã được anh Vinh nhiều lần thực hiện. Bằng những lý lẽ thuyết phục, quân lính đồng ý mở chốt cho xe tuần tra của Liên Hợp Quốc đi qua. Tuy nhiên, cũng có lần anh và đồng nghiệp phải lập lán trại ở qua đêm, hoặc phải tạm dừng chuyến tuần tra, báo cáo về vi phạm tự do đi lại gửi lên trụ sở Liên Hợp Quốc để họ làm việc với nước chủ nhà.

Sỹ quan mũ nồi xanh Việt Nam cho biết, để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tuần tra, phái bộ UNMISS cử lực lượng bảo vệ của tiểu đoàn bộ binh đi cùng các sĩ quan liên lạc. Đi đầu và cuối là xe bọc thép chở quân, ở giữa là xe chở sỹ quan, xe cứu thương. Quân số bảo vệ khoảng từ 30 đến 60 người tùy theo tính chất nhiệm vụ và tình hình an ninh. Các Quan sát viên quân sự thường đi tuần tra theo tổ hai người, và tham gia các chuyến tuần tra tích hợp với các cơ quan dân sự của Phái bộ. Vì vậy, kĩ năng làm việc nhóm là một yêu cầu rất quan trọng.

Mỗi khi đi làm nhiệm vụ, anh Vinh và đồng đội phải mặc áo chống đạn, mang theo dụng cụ cứu thương... Ảnh: Cục GGHB

Mỗi khi đi làm nhiệm vụ, anh Vinh và đồng đội phải mặc áo chống đạn, mang theo dụng cụ cứu thương. Ảnh: Cục GGHB

Để đảm bảo an toàn, anh Vinh và đồng nghiệp dành nhiều thời gian nghiên cứu trước tình hình, đặc điểm các nhóm vũ trang, đầu mối liên lại tại vùng tuần tra qua các bản báo cáo và cập nhật an ninh từ những chuyến tuần tra trước... Các sỹ quan phải mặc áo chống đạn, mang theo dụng cụ cứu thương, đặc biệt là các lọ sát trùng vì ở đây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Ebola, sốt rét... rất cao.

"Khi phải ngủ lại dọc đường, chúng tôi chú ý quan sát các hướng có thể bị mai phục, cố gắng tạo vật cản che chắn. Mặc dù đây là nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ, nhưng trước hết mình phải tự lo an ninh cho bản thân và tư vấn cho chỉ huy lực lượng bảo vệ", anh nói.

Do quá trình tuần tra chủ yếu di chuyển trên đường, thức ăn cũng được anh Vinh chuẩn bị những món tiện lợi như luộc trứng, mua hoa quả, lương khô, bánh quy... Có hôm xe chạy cả ngày, anh chỉ dùng lương khô và nước uống.

"Tôi ám ảnh mãi chuyến tuần tra dài ngày đầu tiên đến hạt Kajo-Keji, tiểu bang Yei", anh Vinh nói. Đó là một buổi trưa, đoàn gặp hai em bé đèo nhau bằng xe đạp trên đường. Chúng nhầm tưởng là xe quân sự của các nhóm vũ trang nên đạp rất nhanh để chạy trốn. Khi chiếc xe dẫn đoàn tới gần, cô bé cầm lái bất ngờ lao xe rất nhanh vào bụi rậm bên đường lẩn trốn.

Đoàn xe của Liên Hợp Quốc dừng lại, anh Vinh xuống xe đỡ hai đứa trẻ ra. Đứa lớn khoảng 6 tuổi, đứa nhỏ chỉ khoảng 3 tuổi, đều run rẩy, sợ hãi, trong khi người bị xây xước. Dỗ dành các em, anh đưa nước và đồ ăn đi đường để chúng bớt sợ.

Nhiệm kỳ trước làm nhiệm vụ tại Cộng hoà Trung Phi, anh Vinh đã nhìn thấy nhiều hình ảnh ghê sợ do chiến tranh, nhưng cảnh hai đứa trẻ sợ hãi khi nhìn thấy xe quân sự rồi chạy trốn và ẩn nấp khiến sỹ quan đến từ Việt Nam thấy "tim đau nhói". 

Trung tá Lương Trường Vinh đưa nước và đồ ăn để trấn tĩnh hai đứa trẻ lao xe vào bụi rậm lẩn trốn khi nhầm đoàn xe Liên Hợp Quốc là xe quân sự của nhóm vũ trang. Ảnh: Cục GGHB

Trung tá Lương Trường Vinh đưa nước và đồ ăn để trấn tĩnh hai đứa trẻ lao xe vào bụi rậm lẩn trốn khi nhầm đoàn xe Liên Hợp Quốc là xe quân sự của nhóm vũ trang. Ảnh: Cục GGHB

Ngoài tuần tra, sĩ quan liên lạc ở phái bộ Liên Hợp Quốc còn phải tiếp xúc với lãnh đạo địa phương, chỉ huy lực lượng quân sự, cơ quan tình báo, cơ quan phản gián để chia sẻ thông tin và xin cấp phép an ninh cho các chuyến bay của Liên Hợp Quốc. Anh Vinh cũng có những cuộc gặp, làm việc với quân đội lực lượng đối lập, các nhóm vũ trang...; thu xếp, điều phối các buổi làm việc, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao.

Tháng 10/2019, đội anh Vinh được giao đón, điều phối và hộ tống Đoàn Uỷ ban cấm vận, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đến kiểm tra và thị sát tình hình tại Yei - điểm nóng nhất tại Nam Sudan. Lịch làm việc tại đây chỉ có một ngày và phải bố trí Đoàn Uỷ ban cấm vận gặp lãnh đạo tiểu bang, lãnh đạo tôn giáo, người dân và nạn nhân của sự bóc lột, bạo lực tình dục. Dù vậy, cả đội và lực lượng bảo vệ đã tổ chức đón tiếp và điều phối rất thành công.

Trước khi lên máy bay, bà Joanna Wronecka, Đại sứ Ba Lan tại Liên Hợp Quốc, Trưởng đoàn gặp anh Vinh gửi lời cảm ơn. Đặc biệt, bà nói, sang năm 2020, Việt Nam sẽ là thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và rất có thể anh sẽ được gặp thành viên của Việt Nam trong Đoàn.

"Lúc đó, tôi thấy rất tự hào vì tại một nơi xa xôi ở Nam Sudan mà được nghe quan chức đại diện cho Liên Hợp Quốc nhắc đến Việt Nam. Tôi cũng thấy khá hãnh diện và phấn khởi khi mình có mặt tại thực địa thể hiện sự hiện diện và đóng góp của Việt Nam đối với hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc", anh nói.

Đây là nhiệm kỳ thứ hai Trung tá Lương Trường Vinh đi làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, anh sẽ kết thúc sớm nhiệm kỳ công tác để đảm nhiệm vị trí mới. Anh Vinh là người Việt Nam đầu tiên trúng tuyển vị trí Sỹ quan kế hoạch thuộc Cơ quan tổ chức xây dựng lực lượng, Văn phòng Các vấn đề quân sự của Cục hoạt động hoà bình Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ).

Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) được thành lập ngày 8/7/2011 với nhiệm vụ bảo đảm hòa bình, xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế lâu dài cho Nam Sudan, cũng như hỗ trợ chính phủ nước này hạn chế xung đột và bảo vệ dân thường. Việt Nam bắt đầu gửi quân đến UNMISS tham gia gìn giữ hoà bình từ năm 2014.

Hoàng Thùy/vnexpress.net

https://vnexpress.net/thoi-su/duong-tuan-tra-cua-si-quan-mu-noi-xanh-viet-nam-4046270.html

  • Từ khóa