Đại biểu Quốc hội chỉ rõ có hiện tượng người dân chưa muốn thoát nghèo vì tiếc nhiều trợ cấp an sinh xã hội đang được hưởng.
Không muốn thoát nghèo để hưởng trợ cấp
Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 30/10, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) đồng tình với báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (gồm chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).
Phản ánh thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới tại địa phương, đại biểu cho rằng, còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025.
Nguyên nhân được đại biểu này nêu do các xã miền núi thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức.
Đại biểu Trần Nhật Minh (Ảnh: Quốc hội).
Theo đại biểu Trần Nhật Minh, đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm. Bất cập này đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5.
Theo đó, một số bộ, ngành chưa kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế tác động của các quyết định công nhận xã thôn khu vực I, II, III vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, thực trạng trên đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn xã đặc biệt khó khăn, nay trở thành thôn, xã nông thôn mới.
Đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể, khả thi, thiết thực để tháo gỡ, khắc phục vấn đề này.
Hết dự án, nghèo lại hoàn nghèo
Phát biểu tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bàn về nhận thức của người dân đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đánh giá về mục tiêu của các Chương trình thời gian qua, đại biểu cho rằng: "Có những người dân chưa nhận thức được hết vấn đề nên... chưa muốn thoát nghèo".
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Ảnh: Quốc hội).
Mặc dù đánh giá cao ý nghĩa của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua, tuy nhiên đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo do cách làm và chất lượng chính sách chưa có tính bền vững của các chương trình.
Do đó, người dân cảm thấy "chưa yên tâm khi thoát nghèo". Hết chương trình, hết dự án thì "nghèo lại hoàn nghèo".
Vì vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị quan tâm đến cách làm và chú trọng chất lượng của các chương trình. Như vậy, người dân nhận thức được và sẽ không ai còn "muốn nghèo" nữa.
Tranh luận với phát biểu khác về vấn đề quản lý kết quả đầu ra, đại biểu Tạ Văn Hạ đề cập rõ, sau khi tiếp xúc cử tri, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Đoàn giám sát cần xây dựng, ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, đặc biệt cấp tỉnh.
Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị, Trung ương chỉ quản lý chương trình theo các mục tiêu, các chỉ tiêu, còn cách làm thì cho phép tỉnh được chủ động.
Theo dantri.com.vn