Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua đó, chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên, nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, bổ sung.
Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Họp phiên toàn thể tại Hội trường ngày 03/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhiều nội dung lớn được chỉnh sửa, hoàn thiện
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến Nhân dân.
Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức nhiều hội thảo, phiên họp tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật; gửi Công văn lấy ý kiến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lấy ý kiến các bộ, ngành về một số nội dung cụ thể… để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.
Ngày 29/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý tại Phiên họp thứ 26. Hồ sơ dự thảo Luật được xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức.
Chính phủ đã có Báo cáo số 598/BC-CP ngày 23/10/2023 về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều, sửa đổi 229 điều.
Nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm, như: Địa giới đơn vị hành chính, điều tra cơ bản về đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất; các trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; hoạt động lấn biển; đất sử dụng cho khu kinh tế…
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.
Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng.
Quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật sẽ cần nhiều thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật.
Rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước); giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam).
Trên cơ sở các ý kiến này và ý kiến của Chính phủ, dự thảo Luật thiết kế 2 phương án: Phương án 1: Tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Phương án 2: Giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45), nhiều ý kiến đề nghị đối với đất trồng lúa thì cá nhân phải thành lập tổ chức kèm theo phương án sử dụng đất tích tụ để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt, không được gom đất để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm địa phương có thể giữ đất lúa vì mục tiêu phát triển KT-XH.
Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.
Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 589/BC-CP.
Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177.
Quy định rõ dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh
Về thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định rõ dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ là một trong các trường hợp thu hồi đất. HĐND cấp tỉnh quy định các tiêu chí để quyết định các dự án loại này thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; còn lại là các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.
Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 2 phương án.
Phương án 1: Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo của Chính phủ, dự thảo Luật đã chỉnh sửa tương ứng tại khoản 27 Điều 79, khoản 1 Điều 126 và khoản 1 Điều 127. Theo đó, dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.
Tuy nhiên, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất chỉ là hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất, không phải tiêu chí, điều kiện để thu hồi đất, chưa phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Phương án 2: Tiếp thu các ý kiến theo hướng quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Về quy định giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, đây là nội dung mới đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, có thể có độ trễ trong việc triển khai thực hiện trên thực tế trong thời kỳ đầu thực hiện quy định khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa kịp ban hành tiêu chí, điều kiện để có cơ sở xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.
Vì vậy, đề nghị nghiên cứu có tiêu chí cụ thể tại Luật để làm cơ sở giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Chính phủ thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật để có cách hiểu thống nhất, tránh rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện và có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của quy định này, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế.
Về phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 28), theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 quy định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, đối với các khu vực khác tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được tiếp cận đất đai thông qua hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Tại Báo cáo số 598/BC-CP, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cho phép tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao nhưng trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư là mở rộng so với quy định của pháp luật hiện hành.
Thực tế hiện nay, một số tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất nhưng lại không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại Luật Đất đai.
Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 2 phương án. Phương án 1: Không bổ sung quy định này. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trường hợp thu hồi đất đối với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trường đầu tư theo quy định của pháp luật tại khoản 31 Điều 79. Vì vậy, đã cơ bản giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn như Báo cáo số 598/BC-CP đã nêu. Phương án 2: Bổ sung quy định này như ý kiến của Chính phủ.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
"Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia. Qua đó, chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác...", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Theo baochinhphu.vn