Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Điều hành nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, tại hội trường ở Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp thứ 5. Dự thảo luật cũng được lấy ý kiến rộng rãi cử tri và nhân dân trên cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật, tổ chức hội nghị ĐBQH chuyên trách để thảo luận về dự án luật này.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Việc sửa đổi luật huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân. Quy định của luật ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, quyền và lợi ích của người dân. Chất lượng của dự án luật phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi và chất lượng, trong ngày đã có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận. Các ĐBQH cũng đã cho ý kiến tập trung vào các nội dung như: phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cùng nhiều vấn đề trọng tâm trong dự án luật. Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều vấn đề phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội trình trong Kỳ họp này.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường
Phát biểu ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ tán thành với hồ sơ dự án Luật; đồng thời nhấn mạnh đây là dự án Luật khó, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, có tác động đến mọi tầng lớp nhân dân…
Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo đã hết sức nỗ lực cố gắng để tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật. Báo cáo tiếp thu giải trình và bảng so sánh các phiên bản được trình bày khoa học, dễ dàng theo dõi. Dự thảo Luật đã bao gồm nhiều chính sách mới, các chính sách mới này đã được cụ thể hóa theo hướng quan tâm, chăm lo hơn đến đời sống Nhân dân, để Nhân dân chính là người được thụ hưởng… Một trong số đó là chính sách về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, như được cụ thể hóa tại Điều 16 Dự thảo Luật. So sánh với Điều 27 Luật Đất đai năm 2013, nội dung này có thể coi như một đổi mới, mang tính đột phá. Mà người được thụ hưởng chính sách nhân văn này chính là các đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.
Về quy định tại khoản 3 Điều 4 về người sử dụng đất, đại biểu bày tỏ ủng hộ Phương án 1 như Chính phủ trình là sửa thành “Cá nhân là công dân Việt Nam”. Bởi theo khoản 1, Điều 5 Luật Quốc tịch có quy định: Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam. Do vậy, dù ở trong nước, hay ở nước ngoài, người có quốc tịch Việt Nam vẫn là công dân Việt Nam, họ vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đầy đủ của một Công dân Việt Nam.
Hơn nữa, ngoài lý do là thúc đẩy tăng trưởng và thu hút kiều hối như được đề cập trong báo cáo số 678, việc mở rộng đối tượng này còn có thể thu hút được chất xám và đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Họ luôn luôn hướng về Việt Nam, mong muốn cống hiến cho quê hương. Do vậy việc lựa chọn Phương án 1 mở rộng đối tượng này thành Công dân Việt Nam tại khoản 3 Điều 4 để họ có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai là thực sự phù hợp.
Theo baolangson.vn